Ngành cao su tự nhiên thật sự thu hút nhà đầu tư trong khoảng 5 năm trở lại đây khi giá cao su có những diễn biến thuận lợi. Trên sàn chứng khoán, nhiều công ty không phải ở trong ngành cao su cũng đã gia nhập ngành này và sở hữu diện tích đáng kể. Dù chưa đến mức "nhà nhà trồng cao su" nhưng rõ ràng các dự án trồng cao su sẽ tăng lên đáng kể. Câu hỏi đặt ra là liệu 5 -10 năm nữa, cây cao su có thể tiếp tục cho "vàng trắng" như hiện nay hay không?Cao su là cây trồng có chu kỳ sinh trưởng và phát triển tương đối dài (7 năm). Do đó, điều kiện tiên quyết là người trồng phải biết cách chăm sóc để cây có thể cho mủ và tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến vườn cây. Không dành cho người "tay ngang" Hiện nay, với việc áp dụng các giống mới thì rủi ro dịch bệnh có giảm xuống nhưng đòi hỏi người trồng phải theo sát vườn cây, khi cây cao su có những biểu hiện bất thường thì phải nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, giai đoạn trồng cây cao su đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn. Hiện nay, suất đầu tư cho 1ha cao su xấp xỉ 120 - 140 triệu; trong đó 50% số tiền này sẽ phải bỏ ra cho năm đầu tiên. Suất đầu tư này chưa tính đến tiền thuê/mua đất. Như vậy, doanh nghiệp không thể kỳ vọng có lợi nhuận trong khoảng 5 năm đầu tiên. Trồng cao su không phải là cuộc chơi ngắn hạn của các doanh nghiệp ít vốn. Việc lựa chọn kỹ càng vị trí địa lý của vườn cây cũng quyết định đến năng suất mủ khi bước vào khai thác. Vị trí tốt cho cây cao su còn đòi hỏi không được gần biển, vì yếu tố bất lợi của thời tiết như bão có thể "quét sạch" vườn cây chỉ sau 3 - 5 phút như trường hợp của một công ty niêm yết đã gặp phải cách đây 6 - 7 năm. Yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng cũng cần được xem xét. Như vậy, có thể nhận thấy để trồng được cây cao su đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong ngành, không phải dạng "tay ngang". Ngoài ra, để tăng hiệu quả của dự án, mỗi đồn điền cao su nên có diện tích từ 3.000 - 5.000ha, đủ kinh tế để đặt nhà máy sơ chế và không quá rộng để dễ quản lý, tránh hiện tượng thất thoát mủ cao su trong quá trình khai thác. Vấn đề quyết định ở đây đối với giá cao su trong dài hạn chính là việc cung cầu có cân bằng hay không vì xu hướng mở rộng diện tích cũng xuất hiện ở một số quốc gia. Hiện nay, những nhận định về bức tranh của ngành sau 5 - 7 năm cũng đã được đưa ra nhưng không phải nhận định nào cũng có sức thuyết phục.Nhu cầu cao su tự nhiên trên thế giới phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Bắc Mỹ. Do đó, có thể nói, tình hình kinh tế thế giới là nhân tố chính ảnh hưởng đến giá cao su. Về nguồn cung, yếu tố thời tiết cũng là nhân tố ảnh hưởng đến sản lượng cao su toàn cầu.

'Vàng trắng' có tiếp tục chảy? ảnh 1

Như vậy, để thành công với cây cao su không phải là chuyện dễ dàng, từ khâu tìm dự án, trồng trọt, khai thác đến tiêu thụ. Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là nguồn lao động rẻ, do đó điểm hòa vốn của 1 tấn cao su so với các quốc gia khác như Malaysia và Thái Lan tương đối thấp. Điều này giúp doanh nghiệp trong nước vẫn có khả năng tạo được lợi nhuận khi giá cao su xuống thấp (ước giá hòa vốn của các doanh nghiệp niêm yết là 1.200 USD/tấn). Tuy nhiên, đối với các dự án mới thì mức này sẽ cao hơn vì chi phí thuê đất cao hơn so với những vườn cây hiện hành. Để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp nước ta cần thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn triển khai dự án. Ngoài ra, cần đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường hoặc một nhóm khách hàng nhất định. Cuối cùng, có tầm nhìn dài hạn và tránh tâm lý ăn xổi, chạy theo phong trào cũng là yếu tố quyết định thành bại của các dự án cao su. Kỳ vọng tăng trưởng? Hiện nay, thị trường chứng khoán có 5 công ty cao su tự nhiên niêm yết là DPR, HRC, PHR, TNC và TRC. Trong quý I/2013, do giá bán cao su bình quân giảm khoảng 10 triệu đồng/tấn nên các doanh nghiệp niêm yết đều đạt lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ 2012. Cần lưu ý đến diễn biến giá cao su quý I/2013 đã trái ngược so với dự đoán trước đó. Ngoài ra, những lo ngại về bong bóng kinh tế Trung Quốc nổ tung và tình hình nợ công châu Âu chưa có lối ra cũng khiến nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên suy yếu. Với những nhân tố hiện tại, dự đoán giá cao su trong năm 2013 chưa thể bứt phá, đặc biệt mùa cao điểm khai thác cao su rơi vào quý III và quý IV hằng năm (2 quý này chiếm 65 - 70% sản lượng khai thác cả năm). Do đó, các doanh nghiệp cao su niêm sẽ phải nỗ lực gấp bội nếu muốn hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013. Nhìn chung, hoạt động của các công ty cao su tự nhiên vẫn sẽ tiếp tục ổn định, nhưng khả năng tăng trưởng trong dài hạn như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Kỳ vọng đối với các công ty cao su vẫn được duy trì nhưng có tiếp tục tăng lên hay không lại là chuyện cần phải xem xét thêm.

Theo (Thời báo Kinh Doanh) - P.H