(Baonghean) - Có một thực tế khá nghiệt ngã cho nghề dạy học. Đó là, khi trong xã hội xuất hiện nhiều hành vi, việc làm lệch chuẩn, trái với thuần phong, mỹ tục, nhất là ở lớp trẻ thì ngay lập tức, người ta đổ cho đạo đức xã hội suy đồi và truy nguyên nguồn gốc là do từ những bất ổn của ngành Giáo dục mà ra. Và ai cũng hiểu đổ lỗi cho giáo dục chính là đổ lỗi cho những người cầm phấn.

Chính sự suy luận rồi quy kết một cách đơn giản, phiến diện kiểu đó đã làm đau lòng những nhà giáo chân chính và khiến họ không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng cho bản thân và nản lòng với nghề dạy học. Đương nhiên, trong mọi sự hư hỏng của xã hội, của lớp trẻ có phần trách nhiệm của ngành Giáo dục, của người làm nghề giáo dục. Nhưng không thể đổ hết lỗi cho họ. Bên cạnh nhà trường còn có xã hội nữa. Mà sự phát triển nhân cách, đạo đức của con người theo chiều hướng nào, còn chịu sự tác động, chi phối không nhỏ từ xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng từ mỗi phía nhà trường. Đành rằng, trong hiện tại, môi trường học đường không còn giữ được sự “vô trùng tuyệt đối” như đã từng có mà những bụi bặm của cuộc đời cũng đã bám theo và làm vấy bẩn không ít bục giảng. Nhưng những trường hợp đó chỉ là số ít, xảy ra ở một số nơi đất chật, người đông chốn thị thành.

Còn ở những nơi miền núi cao nhiều gian khó, người thầy vẫn phải lặn lội băng rừng, vượt suối đưa con chữ để bắc cầu tới tương lai cho các học trò. Có ai tặng quà, gúi phong bì hay chạy chọt họ đâu! Mà ngược lại, những đồng lương hạn hẹp của các thầy, cô còn phải san sẻ ra cho những trò nghèo để các em có sức đến trường, đến lớp mỗi ngày. Ở các làng quê khác, những người cầm phấn cũng chung cảnh như vậy. Và ngay ở chốn phồn hoa đô hội vẫn có nhiều những người thầy đã cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời cho sự nghiệp “trồng người”. Những việc tốt, việc hay đó sao ít được nhắc tới, ít được mọi người quan tâm cổ vũ, động viên; mà mỗi khi lên mạng, giở báo ra thấy quá nhiều những chuyện không mấy hay ho, tốt đẹp về nghề giáo, thầy giáo với một lối đưa tin, dẫn chuyện không mấy thiện cảm. Rõ ràng, xã hội hiện tại đang có một cái nhìn rất bất công về nghề giáo. 

Nếu coi nghề dạy học như người đưa đò qua sông, hết lớp này đến lớp khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, thì thời gian qua và cả hiện tại, chính là lúc, là giai đoạn mà người đưa đò đang phải hứng chịu nhiều phong ba, bão tố trên dòng sông cuộc đời. Nhưng mong những người làm nghề giáo “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, hơn lúc nào hết, đây chính là giai đoạn mà những người cầm phấn cần thể hiện rõ bản lĩnh, phẩm chất của người thầy, tiếp tục tỏa sáng nhân cách người thầy cầm phấn. Xã hội hiện tại đang rất cần nhân cách đó để từng bước đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức và vẫn tin tưởng rằng các thầy giáo, cô giáo luôn biết cách vượt lên trên mọi khó khăn, ngáng trở để vẫn vững tay chèo.

Duy Hương