(Baonghean) - Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Thái. Vốn đam mê nghệ thuật, được thừa hưởng giọng hát dân ca say đắm lòng người của mẹ và tiếng khèn trong trẻo của cha, tôi may mắn được chính cha mẹ, dân làng khơi dậy niềm yêu âm nhạc từ rất sớm. Tôi lớn lên, trưởng thành trong “kho tàng” dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào dân tộc Thái tại huyện Con Cuông.
Khi còn là một cậu bé, cha và anh trai thường dạy cho tôi cách chơi pí ăng, đàn tính, khèn bè, tăng bu… Do có niềm đam mê học hỏi và năng khiếu âm nhạc nên chỉ một thời gian ngắn, tiếng khèn của tôi đã mượt hơn, cái tay chơi đàn tính đã nhuần nhuyễn hơn và đặc biệt tôi đã biết dùng tiếng khèn để đệm cho những màn hát dân ca đằm thắm. Tôi có thể hát mọi lúc mọi nơi, lúc lên nương lấy củi, khi xuống suối lấy nước hay ngồi sưởi ấm bên bếp lửa mùa đông tâm sự cùng bạn gái. Tôi được bà con dân bản khen “có tiếng hát trong vắt như tiếng suối rừng”. Điều đó động viên tôi rất nhiều và càng khuyến khích tôi phải làm điều gì đó để lưu lại những giá trị cổ truyền quý báu của dân tộc mình.
Sau khi lập gia đình, cuộc sống mưu sinh ngày càng bận rộn, nhưng tôi vẫn dành thời gian đặc biệt cho những nhạc cụ và làn điệu dân ca… Trong những đêm thanh vắng hay hội làng, người dân bản Cằng đã quen được thưởng thức tiếng khèn, tiếng hát của tôi, vì vậy tôi càng cảm thấy mình phải làm cho điệu nhạc quê mình say đắm lòng người hơn. Lâu lâu, khi không được cất tiếng hát, tôi lại thấy nhớ, thấy khắc khoải và chờ đợi. Đàn, hát nhạc dân tộc Thái với tôi là niềm vui của cuộc sống.
Vốn yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ và có sở trường trong việc sưu tầm, sáng tác, dàn dựng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian nên tôi mạnh dạn tham gia nhiều hội thi văn nghệ của huyện, tỉnh và có những kết quả đủ để tôi thấy xứng đáng với những năm tháng thầm lặng thẩm thấu âm nhạc quê hương, khuyến khích tôi tiếp tục lưu truyền. Ngoài ra, tôi còn học hỏi, mày mò và cải tiến các nhạc cụ dân tộc như: pí ăng, xò lò, đàn tập tinh, tăng bu…và có nhiều tác phẩm sáng tác được giải trong nhiều đợt tham gia lễ hội Làng Sen và đàn hát dân ca các dân tộc miền núi Nghệ An.
Tôi lo lắng rằng theo sự biến thiên của thời gian, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, nhiều thanh niên dân tộc Thái không còn đam mê âm nhạc, dân ca của dân tộc mình. Trước thực tế, khi nhận thấy rõ nguy cơ mai một của nền dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc mình, tôi đã trăn trở và nhiều năm tìm cách bảo tồn, gìn giữ. Năm 2009, tôi đã tham gia lớp truyền dạy ca - múa - nhạc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và đã đào tạo được 26 học viên. Đây là một con số không nhỏ góp phần vào việc bảo tồn nền dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào mình.
Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tháng 5/2010, tôi vẫn mạnh dạn đứng ra thành lập Câu lạc bộ dân ca dân tộc Thái tại bản Cằng. Ngày đầu mới thành lập, câu lạc bộ chỉ vẻn vẹn 14 người nhưng đến nay số nghệ nhân đã lên tới 42 người. Họ là đội ngũ nòng cốt thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hoá của xã, huyện, tỉnh, các cuộc thi và đạt giải cao.
Tôi còn có niềm vui lớn khác là cháu nội tôi - Lương Thị Thu Hoài (SN 2006) đã tiếp nối truyền thống của gia đình, đã tham gia “Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số lần thứ 3, năm 2014” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức, đạt giải B. Đó không những là niềm tự hào mà còn là động lực để tôi tiếp tục công việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Nay đã gần 60 tuổi, tôi vẫn mải miết ngày đêm tìm tòi và chế tạo ra những cây đàn tập tinh, cây khèn bè, xò lò hay những chiếc tăng bu… để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Việc làm đó đem đến niềm vui, đem đến “năng lượng sống” cho tôi. May mắn là tôi đã truyền dạy và thổi niềm đam mê của mình cho rất nhiều thanh niên trong làng. Tôi còn sưu tầm và tập những bài hát đồng dao cho các em nhỏ quê tôi. Từ sự cố gắng không ngừng nghỉ đối với việc lưu giữ vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc mình, tôi không nghĩ rằng có ngày tôi lại nhận được những phần thưởng, sự ghi nhận rất đáng trân trọng. Năm 1999, được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về việc “Đã có nhiều thành tích trong công tác văn hóa - thông tin vùng miền núi và đồng bào các dân tộc tiểu số 1991- 1999”; năm 1996, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về việc “Đã có nhiều tác phẩm đạt giải trong liên hoan văn hóa các dân tộc” nhân Ngày hội Biên phòng toàn dân (3/3/1996); năm 2009, Viện trưởng Viện Âm nhạc Trung ương tặng Giấy khen về việc “Đã có thành tích đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”; năm 2003, được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tặng Giấy khen về việc “Có nhiều thành tích trong 10 năm thực hiện chương trình phối, kết hợp giữa ngành VHTT và Bộ đội Biên phòng năm 2013 - 2003”. Nhiều năm liền tôi được Chủ tịch UBND huyện Con Cuông tặng Giấy khen về việc “Sáng tác nhiều tác phẩm hay trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng”. Đặc biệt, năm 2013, tôi vinh dự được BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về việc “Đạt thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Gần đây nhất, phòng Văn hóa huyện Con Cuông đã hoàn tất hồ sơ của tôi và gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm thủ tục xét duyệt cấp tỉnh và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” của dân tộc Thái huyện Con Cuông.
Những ghi nhận đó là nguồn cổ vũ động viên vô cùng lớn. Dù đạt được nhiều danh hiệu hay phần thưởng cao quý, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được người dân bản Cằng quê tôi yêu quý gọi là “người giữ hồn quê”.
Nguyễn Vy (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An)
_________________
Ghi theo lời kể của ông Lương Văn Nghiệp khi đi điền dã ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông).