Các phóng viên thể thao khu vực Đông Nam Á đang ngạc nhiên với cách dùng cầu thủ của ông Park Hang-seo. Ba trận đấu đầu tiên của bảng AFF Cup 2018, tiền vệ trẻ của SLNA được ra sân cả 3, trong đó có 2 trận đá chính, với tổng thời gian thi đấu 152 phút. Nếu như trong trận gặp Lào, Văn Đức đá hậu vệ trái thay Văn Hậu đã dính thẻ vàng trước đó thì trận gặp Malaysia, cầu thủ số 20 lại đá tiền vệ trái thay đội trưởng Văn Quyết. Đến trận gặp Myanmar, bất ngờ Văn Đức được đẩy sang cánh phải đá vị trí hậu vệ phải thay cho Trọng Hoàng.
Khá bất ngờ khi các nhà báo thể thao quốc tế xác nhận, tiền vệ Văn Đức đã lập “kỷ lục AFF Cup” khi 3 trận liên tiếp ra sân ở 3 vị trí thi đấu khác nhau, cả cánh phải lẫn cánh trái. Trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, việc cầu thủ đa năng, thi đấu được nhiều vị trí không phải là điều mới mẻ. Thế nhưng kiểu dùng cầu thủ tấn công để đá phòng ngự, dùng cầu thủ chơi sở trường cánh trái sang đá hậu vệ phải thì chỉ có MU mới hay dùng người kiểu này, mà Ashley Young là ví dụ điển hình nhất.
Ngay như Chan Vathanaka - “thần đồng bóng đá Campuchia” tại AFF Cup lần này khi đá trung phong cắm, khi thì lại được HLV Keisuke Honda đẩy sang đá tiền đạo cánh phải. Lịch sử 11 kỳ AFF Cup chỉ có những cầu thủ được HLV thay đổi vị trí một cách tương đối, kiểu Chan Vathanaka.
Việc liên tục được ông Park “ưu ái” bố trí đá ở các vị trí khác nhau như Văn Đức, thuộc dạng hiếm. Không phải ở trong tay HLV Park Hang-seo không còn các cầu thủ thay thế mà đơn giản là Văn Đức có nhiều tố chất khiến cho miếng đánh của đội tuyển Việt Nam đa dạng hơn. Lượt trận đá với Campuchia, khi được đá vị trí sở trường, số 20 này lập tức phát huy giá trị bằng những cú sút xa đẳng cấp, một trong số đó đã thành bàn thắng.
Sở trường của Văn Đức là tiền vệ trái nhưng với kỹ thuật cá nhân khá hoàn hảo, khả năng nắm bắt, tiếp thu ý đồ chiến thuật của ông thầy Hàn Quốc tốt, thể lực đảm bảo đã khiến cho số 20 này được tin dùng. Bản thân nhiều cầu thủ xuất thân đá phòng ngự cũng khó có khả năng đá cả hai biên chứ huống chi Văn Đức đơn thuần đá tiền vệ cánh trái. Thực ra, khi đá hậu vệ, nhất là trận gặp Myanmar, bản thân Văn Đức cũng vài lần mắc lỗi vị trí nhưng với nền tảng thể lực tốt, tiền vệ SLNA lập tức bám đuổi sửa sai.
Với 1 bàn thắng, 1 pha kiến tạo thành bàn, 1 pha sút bóng trúng cột dọc và 11 cú sút cầu môn sau 4 trận đấu, Văn Đức đang trưởng thành từng trận. Điều quan trọng nhất là anh đang tạo niềm tin trong mắt người hâm mộ, đồng đội và BHL đội tuyển. Việc Đức có được bàn thắng trong lần đầu dự AFF Cup như đàn anh Văn Quyến tại Tiger Cup 2004, quả thật là tuyệt vời!
Niềm tự hào xứ Nghệ
Cách đây 2 năm, khi đàn anh Phi Sơn rời SLNA đi vào TP. HCM để sớm tìm cho mình một chỗ đứng chân trong đội tuyển quốc gia, khá nhiều khán giả xứ Nghệ đã không khỏi lo lắng cho đội bóng.
Giờ đây, khi Phi Sơn vẫn chưa có dịp trở lại đội tuyển thì Văn Đức ngày càng khẳng định mình là quân bài chiến lược, cầu thủ đa năng của đội tuyển thời “Park-ball”. Đó thực sự là món quà dành cho cầu thủ trẻ xứ Nghệ luôn thể hiện sự miệt mài tập luyện, thi đấu và khẳng định năng lực chuyên môn. Khi đội trưởng Văn Quyết có dấu hiệu sa sút thì Văn Đức là sự lựa chọn xứng đáng!
Bên cạnh kỷ lục không chính thức nói trên, người hâm mộ xứ Nghệ mong muốn Văn Đức và đội tuyển quốc gia thi đấu tốt và đưa chiếc cúp vô địch AFF Cup về Việt Nam. Đó thực sự là niềm hạnh phúc mà chúng ta đã 10 năm đợi chờ!