Quá khứ nhiều gian khó
Nguyễn Hải Lâm sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Hưng Nguyên. Tuổi thơ của chàng trai sinh năm 1993 gắn liền với công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Một buổi đi học, một buổi Lâm phải phụ giúp gia đình làm việc đồng áng. Gia đình của em được cho là một trong những hộ nghèo nhất làng. Với ý chí không muốn gắn mình với nghề làm nông nghèo khổ như bố mẹ, Lâm đã quyết định tìm cho mình một hướng đi khác, để mong tương lai sáng lạng hơn.
Từ nhỏ, VĐV người Hưng Nguyên đã yêu thích môn võ. Vào ngày hè năm ấy ở trường học của Lâm có mở lớp võ dạy cho học sinh. Lâm yêu thích lắm nhưng vì gia đình nghèo không đủ ăn chứ mơ gì đến chuyện được đi học võ. Thế là chàng trai sinh năm 1993 thường trốn theo các bạn để bắt chước động tác mà thầy hướng dẫn. Tình yêu với môn võ cứ thế ngày một lớn trong Lâm.
Cho đến năm 2008, khi biết tin người bạn thân của mình trúng tuyển vào bộ môn võ Pencak-Silat của Trung tâm Huấn luyện và Thể thao Nghệ An, Lâm nhờ bạn đưa vào lớp võ với mong muốn thử sức mình ở bộ môn này. Thật may mắn chàng trai sinh năm 1993 đã lọt vào mắt xanh của HLV ở trung tâm. “Ngày trúng tuyển em đã rất vui mừng, bởi mình đã có thể sống với niềm đam mê. Và đây cũng là con đường để em có thể có được tương lai sáng lạn hơn, bố mẹ cũng đỡ bớt phần vất vả khi phải nuôi em ăn học” - Lâm kể lại.
Vào học lớp Pencak-Silat, những ngày đầu Lâm không được đánh giá cao, bởi ngoại hình của em lúc đó rất gầy, thân hình mảnh dẻ. Để khắc phục được điều đó, ngoài những giờ tập trên lớp, Lâm thường nán lại tập thêm thể hình. Đây cũng là yếu tố giúp VĐV mạnh mẽ, rắn rỏi, chịu đòn tốt hơn. Những ngày mới vào tập, Lâm là người khá nhút nhát và rất yếu trong khả năng chịu đòn. HLV lớp võ của trung tâm đã yêu cầu Lâm: “Em phải mạnh mẽ lên, môn võ không dành cho những người yếu đuối, nhút nhát..." Lời dặn dò của thầy Lâm mãi khắc ghi và dần dần em đã trở thành người chịu đòn tốt nhất trong lớp của mình.
Những ngày Lâm mới vào tập luyện, chế độ ăn cho vận động viên còn khá thấp. Mỗi ngày một vận động viên chỉ được 40 ngàn đồng bao gồm tiền ăn và tiền chế độ tập. Với số tiền này thì không thể đủ dinh dưỡng cho các vận động viên có thể tập luyện ở cường độ cao.
Lâm nhớ lại: “Ngày đó khổ lắm, bố mẹ nghèo nên không thể cho em tiền ăn uống bồi dưỡng thêm, để có sức tập, bọn em thường phải nợ quán. Nhớ có hôm nợ nhiều quá mà chưa có trả, chủ quán tìm vào tận trung tâm. Em và nhiều bạn học viên đã phải trốn hết phòng này sang phòng khác, nhiều hôm sau thiếu tiền phải ăn mì tôm để tập, những kỷ niệm đó không thể nào quên trong suốt quãng đời sự nghiệp của em. Cũng nhờ những ngày gian khó đã tiếp thêm ý chí cho em trong tập luyện giúp em dành lấy những thành công hơn trong tương lai”.
"Quả ngọt" từ những nỗ lực
Vào nhập môn võ khởi đầu bằng Pencak-Silat nhưng đầu năm 2010, Nguyễn Hải Lâm lại được chuyển sang Vovinam. Bởi khi đó môn võ truyền thống Việt Nam đang thiếu ở hạng cân 60Kg. Nhập môn có nhiều thay đổi từ kỹ thuật tấn công và cả cách phòng thủ, điều này một lần nữa lại khiến Lâm phải nỗ lực để thích ứng thật nhanh và bắt kịp được với các VĐV trong lớp. Tập luyện được hai tháng thì Lâm được cử đi tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Tuy nhiên vào trận đầu tiên phải gặp đối thủ quá mạnh, có kinh nghiệm và đẳng cấp hơn mình, chàng trai người Hưng Nguyên đã bị knock out bằng pha đánh trúng mặt gây choáng và không thể tiếp tục thi đấu. Đây là lần thất bại đầu tiên và nhớ mãi của Lâm. Cũng từ sau lần thất bại đó, Lâm đã tự nhủ sẽ phải nỗ lực, cố gắng luyện tập hơn nữa để có thể đứng dậy mạnh mẽ hơn.
Trong quá trình tập luyện, mỗi lần ép cân trước các giải đấu là những lần khắc nghiệt nhất mà mỗi vận động viên muốn thành công phải vượt qua. Lâm cho biết: “Trước mỗi giải đấu, em phải cố gắng ép cho giảm được khoảng 7 đến 8kg. Để có thể đạt được kết quả như thế đòi hỏi lòng kiên trì và sức chịu đựng ghê gớm của từng VĐV. Nhiều hôm tập xong không ăn được cơm còn bị nôn khan, cơ thể rất mệt mỏi. Nhưng muốn thành công thì đòi hỏi vận động viên phải bước qua được cửa ải như thế”.
Quả ngọt đầu tiên của Nguyễn Hải Lâm là vào năm 2013, khi em tham gia giải Vô địch quốc gia Vovinam toàn quốc. Bằng ý chí và đấu pháp tốt của HLV, chàng trai sinh năm 1993 đã xuất sắc dành chiến thắng trước mọi đối thủ và dành được tấm Huy chương Vàng.
Những năm tiếp theo, Nguyễn Hải Lâm luôn là vận động viên “hái vàng” ở môn Vovinam cho thể thao Nghệ An. Em đã giành được 1 HCV ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, 3 huy chương Vàng giải vô địch toàn quốc, 5 huy chương Vàng ở các giải Cúp và rất nhiều huy chương khác. Giờ đây Lâm vẫn đang ngày ngày nỗ lực để tiếp tục điền tên vào bảng thành tích vàng của thể thao tỉnh nhà.
Nếu được chọn lại, Lâm vẫn khẳng định thể thao là con đường đúng đắn vì đã mang lại cho em một tương lai tươi sáng như bây giờ. Nó không chỉ là con đường dẫn chàng trai người Hưng Nguyên thoát nghèo mà đã giúp em chọn được cho mình người bạn đời, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ của ngày hôm nay. Bởi trong quá trình tập luyện và thi đấu tại trung tâm, Lâm đã nên duyên cùng VĐV Trần Thị Bé. Cả hai giờ đây đang cùng chung chí hướng và cùng chung sự nhiệt huyết để mang về những thành công cho chặng đường phía trước.