Mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Lượng (xóm 2A, xã Văn Thành, huyện Yên Thành- Nghệ An) năm nay tròn 100 tuổi. Một trong những động lực khiến mẹ vượt qua tuổi tác, ốm đau bệnh tật, bên cạnh sự chăm sóc tận tình của con cháu và sự quan tâm của chính quyền địa phương, là niềm tin, nỗi đau đáu mong dợi người con trai đã có giấy báo tử nhưng chưa tìm được phần mộ, sẽ trở về...
Rót chén nước mời khách, o Loan người con gái thứ của mẹ kể cho chúng tôi nghe thật nhiều chuyện về mẹ của mình, giọng đầy yêu thương, tự hào: "Mẹ có 5 người con, 3 trai, 2 gái, 2 con trai là giáo viên. Anh Sâm ( Lê Văn Sâm- P.V) đi bộ đội năm 1966, giấy báo tử có ghi rõ ngày anh hy sinh là 12-6- 1972 ở chiến trường miền Nam, nhưng dò hỏi, lần tìm nhiều lần vẫn không thấy di hài nên mẹ tôi đinh ninh anh vẫn còn sống.
Trước khi anh Sâm đi bộ đội, mẹ ở với anh cả, thấy tôi vất vả công việc đồng áng nên mẹ về đây đỡ đần cho tôi. Sức khỏe mẹ rất tốt, 95 tuổi vẫn chăm chút ruộng vườn, cơm nước và nhớ vanh vách những chuyện từ ngày xưa. Mỗi chiều vãn việc, mẹ tôi lại ra sông Dinh ngóng chờ với niềm tin anh tôi sẽ trở về...
Mẹ lượng và con gái.
Tôi vẫn nhớ, có bữa, chiều muộn, về đến nhà, cơm dọn ra mẹ không ăn, ngồi thẫn thờ rất lâu rồi thổn thức : "Hồi còn ở nhà, mỗi chiều đi học hay chăn trâu, cắt cỏ về, thằng Sâm thường ra sông Dinh tắm". Rồi lại kể, mỗi lần nhìn cái dáng cao lớn, vẻ chững chạc của anh, mẹ thường ướm hỏi: "Chiến tranh loạn lạc thế này, con có ưng đứa nào trong làng, trong xã mẹ đi hỏi cho để yên cửa yên nhà...". Anh tôi chỉ cười hiền: "Mẹ ơi, chiến trường đang sục sôi đánh Mỹ, dân quân, bộ đội ta đang giành giật từng tấc đất Tổ quốc với quân thù, máu đỏ nhuộm chiến trường, con trai mẹ làm sao mà yên tâm ở nhà cưới vợ được", rồi âm thầm chích máu ở tay viết đơn tình nguyện xin ra trận khi chưa đủ 19 tuổi. Ngày anh tôi đi, mẹ tiễn chân anh ở bến sông Dinh. Anh ôm mẹ nói : "Mẹ cứ chờ con ở đây, hết giặc con lại về với mẹ". Đó là mùa Xuân năm 1966. Đã hơn 40 năm, có biết bao chiều mẹ tôi ra sông ngóng đợi, rồi trở về với ánh nhìn thăm thẳm. Những bữa mẹ thổn thức gợi lại chuyện xưa, mẹ thường bỏ bữa. Cũng từ đó, sức khỏe mẹ tôi yếu dần đi..."
Có tiếng động ở giường trong, o Loan biết mẹ dậy nên vào đỡ, thấy chúng tôi, mẹ hỏi "Ai đó"?. Gương mặt nhăn nheo, đôi mắt mờ đục chốc chốc lại nhìn ra cửa vẻ ngóng trông. Biết có khách, mẹ nén đau, kéo chúng tôi lại để kể chuyện: "Ngày 29 âm lịch, tui thấy mấy đứa ở trong làng về, chúng đi bộ đội cùng năm với con tui, đứa mô cũng quần áo bộ đội nghiêm chỉnh vô nhà chào, rồi hát Kiều rất to, vui lắm. Tui hỏi:"Thằng Sâm mô? chúng nói: "Vài bữa nữa hắn về đó". Tui hỏi con Loan có nghe bộ đội hát Kiều không, nhưng nó không nghe ai hát cả, cũng không thấy ai về. Răng nó lại không nghe thấy chứ, họ hát to lắm..."
O Loan giải thích thêm: "Cứ gần ngày rằm, mồng 1 là mẹ tôi lại như trông thấy những người trong làng đi bộ đội đã hy sinh về, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh tôi. Hỏi thì họ nói anh về sau..."
Mẹ Lượng lại ghé tai chúng tôi khoe: "Tui có 5 con, 15 cháu, 21 chắt và 1 can rồi...". Nói vậy rồi bỗng nhiên trong đôi mắt mờ đục hai dòng nước mắt lăn xuống: "Răng mà thằng Sâm vẫn chưa về mẹ cưới vợ cho, để mẹ nhìn mặt con, mặt cháu, lòng yên tâm, thanh thản mà về với ông bà, tổ tiên chứ. Con không về, gặp cha con, mẹ ăn nói răng đây?"
Nhìn đôi mắt luôn ngóng về phía cửa của mẹ, chúng tôi ai cũng thấy nao lòng. Suốt chiều dài đất nước Việt Nam ta, không biết đã có bao nhiêu người mẹ sống với niềm tin như mẹ Lượng ở Văn Thành?.