(Baonghean.vn)- Đến ngày 30/6/2014, tổng số nợ đọng thuế trên toàn tỉnh là 835 tỷ đồng, trong đó có 83,6 tỷ đồng nợ khó thu, 29 tỷ đồng nợ chờ xử lí, hơn 168 tỷ đồng tiền phạt, 619,3 tỷ đồng nợ thông thường,..

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh sáng 15/7, vấn đề nợ đọng thuế được các đại biểu hết sức quan tâm. Theo báo cáo giải trình của Cục thuế Nghệ An, trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đến 30/6/2014, tổng số nợ đọng thuế trên toàn tỉnh là 835 tỷ đồng, trong đó có 83,6 tỷ đồng nợ khó thu, 29 tỷ đồng nợ chờ xử lí, hơn 168 tỷ đồng tiền phạt, 619,3 tỷ đồng nợ thông thường…

Toàn cảnh phiên chất vấn buổi sáng

Phân theo ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản nợ đến 185,6 tỷ đồng, doanh nghiệp bất động sản nợ hơn 118 tỷ đồng, khai thác, chế biến khoáng sản nợ 78,1 tỷ đồng,…

Nói về nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế, ngoài các lí do khách quan như việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, xử lí tiền phạt chậm nộp, cũng như những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, ông Nguyễn Đình Hòa, Cục trưởng Cục thuế Nghệ An cho rằng, ngành thuế đã có một số chủ quan như chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, một số biện pháp thu thuế chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thực sự quyết liệt,…

Đoàn chủ tịch điều hành phiên chất vấn.

 Ngành thuế cũng đưa ra một số giải pháp để thu nợ đọng  thuế, chống thất thu như tham mưu với các cơ  quan chức năng, các chính quyền địa phương trong việc đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế, sử dụng đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện luật thuế, phân loại các khoản nợ để áp  dụng các  biện pháp cưỡng chế cho phù hợp,…

Lãnh đạo Cục thuế Nghệ An trình bày báo cáo về tình trạng nợ đọng thuế.

 Ngay sau báo cáo của Cục thuế Nghệ An, các đại biểu HĐND tỉnh đã có các chất vấn về những vấn đề liên quan. Đại biểu Hoàng Xuân Trường, huyện Yên Thành đề nghị ngành thuế phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra giải pháp khi nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ đọng thuế. Lãnh đạo Cục thuế Nghệ An cho biết, đến 30/6/2014, có 128 doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ 78 tỷ đồng gồm GTGT, thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên, môi trường, tiền thuê đất,… Đứng trước thực trạng đó, ngành thuế đã triển khai rất quyết liệt, hàng tháng đều thông báo, xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ đọng. Các chi cục phối hơp với cấp ủy chính quyền tổ chức đối thoại, tiến hành cưỡng chế, phong tỏa tài khoản từng giai đoạn. Cơ quan thuế đã đình chỉ sử dụng hóa đơn 13 doanh nghiệp, phối hợp với Sở TNMT để thu hồi nợ khai thác khoáng sản, đề nghị phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế mới xác nhận để cấp mới hoặc gia hạn khai thác khoáng sản.

Đại biểu Võ Hồng Phúc (huyện Đô Lương) chất vấn.

Thực trạng chung hiện nay, việc khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho, máy móc đắp chiếu, việc kiểm soát quá khổ, quá tải cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá thành vận tải tăng cao. Một số công ty hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép nhưng không có trụ sở ở Nghệ An vì vậy rất khó cưỡng chế vì không có tài khoản, hóa đơn do cục thuế tỉnh khác cấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngành thuế cũng có một phần trách  nhiệm như: Quy chế phối hợp giữa ngành với các cơ quan chức năng chưa tốt, nhất là khi trong quá trình xin cấp phép xin nhận trách nhiệm của mình. Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tăng cường cưỡng chế, thực hiện thu hồi giấy phép theo luật khoáng sản, đình chỉ sử dụng hóa đơn,…

Trả lời chất vấn về thực trạng các dự án đầu tư chậm, chưa tiến hành nghĩa vụ thuế nhà nước, đặc biệt là tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Ông Nguyễn Đình Hòa cho biết, hiện nay, trên lĩnh vực bất động sản có 8 dự án chậm, nguyên nhân là do suy thoái kinh tế, các giao dịch mua bán gần như tê liệt, không phát sinh thuế, chủ yếu nợ là các khoản trước đây chưa  thu được. Hiện nay có 110 dự án đang nợ 865 tỷ đồng, có 10 dự án chưa tiến hành khởi công nên chưa phát sinh thuế. Hiện nay, ngành thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét lại cơ chế giao đất, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra tiến độ dự án, đôn đốc nộp thuế, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có năng lực.

Đại biểu Hoàng Đình Phương (Nghĩa Đàn) chất vấn nội dung thực trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Nghệ An nhưng trụ sở chính lại ở ngoài tỉnh, gây nên tình trạng thất thu thuế. Người đứng đầu ngành thuế cho biết: Trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh đến đầu tư trên địa bàn, theo luật, các doanh nghiệp này không cần phải thành lập văn phòng, chi nhánh, công ty ở tỉnh Nghệ An. Ngành thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh, khi các doanh nghiệp đến đầu tư, cần phải yêu cầu các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, các công ty để thực hiện các nghĩa vụ thuế. Chủ trương này đã được UBND tỉnh đồng ý và đang được thực hiện.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Hồng Phúc, huyện Đô Lương đề nghị ngành thuế có biện pháp xử lý tình trạng doanh nghiệp xây dựng đang nợ 185 tỷ, trong khi đó nhà nước đang nợ doanh nghiệp 275 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Hòa cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được bù trừ giữa hai loại tiền nợ để giải quyết vấn đề,…

Đại biểu Lê Văn Trí trả lời chất vấn.

Trong suốt thời gian diễn ra phiên chất vấn, đã có 7 đại biểu chất vấn 7 câu hỏi, với 15 nội dung liên quan đến các vấn đề thuế khác nhau như: Biện pháp để chống thất thu thuế, sự phối hợi giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, sự phù hợp giữa thực hiện các biện pháp cưỡng chế và luật thuế, vấn đề doanh nghiệp kê khai nộp thuế với giá khác, nhưng bán ra thị trường với giá rất cao, kéo theo hệ lụy nhà nước thất thu thuế trong khi người dân phải nộp thuế cao,… Những vấn đề này đều được ngành thuế Nghệ An trả lời một cách thẳng thắn, nhìn nhận trách nhiệm và thể hiện quyết tâm của ngành.

Đánh giá phần trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đình Hòa, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, vấn đề thuế hết sức nhạy cảm, phức tạp. Phiên chất vấn đã thể hiện rõ quyết tâm của  ngành thuế trong việc tăng cường biện pháp thu thuế, giảm mức bình quân chung nợ đọng thuế.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận khẳng định, Cục thuế đã có bản giải trình tương đối đầy đủ, chi tiết, nói được tình hình thất thu thuế, nợ đọng thuế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và nêu được một số giải pháp cụ thể. Ông Cục trưởng 3 lần hứa trước cử tri về trách nhiệm của mình trong việc thu hồi nợ đọng, thể hiện sự quyết tâm cao của ngành.

Video clip phiên chất vấn ngành Thuế Nghệ An:

.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị ngành thuế phải quyết liệt thực hiện các biện pháp như:

Thứ nhất, phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tăng cường vị trí, vai trò của ngành thuế cũng như trách nhiệm của công dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, củng cố ngành thuế, nhấn mạnh việc chấp hành luật thuế.

Thứ hai,  phải tập trung, thống kê rà soát đầy đủ, nắm chắc tình trạng nợ đọng và thất thu thuế trên địa bàn, phải có kế hoạch cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi số nợ thuế. Doanh nghiệp nào khó khăn thì phải có giải pháp thế nào, doanh nghiệp giải thể thì xử lí ra sao, doanh nghiệp lợi dụng tình hình để chây ỳ thì xử lí ra sao?.

Thứ ba, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lí. Đề nghị phải tiến hành khâu hậu kiểm một cách chặt chẽ. Ngành thuế phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kịp thời xử lí các hành vi vi phạm. Cần phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể ở địa phương. Việc chấp hành luật thuế là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Thứ tư, phải chăm lo, đẩy mạnh cải cách hành chính. Một mặt phải tăng cường rà soát, chấn chỉnh các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các chính sách. Mặt khác, đề nghị Cục thuế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản  lí cán bộ công chức ngành thuế, phải vừa giỏi vừa chuyên môn vừa tốt về đạo đức, luôn công tâm, trách nhiệm với ngành, với nhân dân.

Nhóm Phóng viên