Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang suy thoái nặng nề, việc Ba Lan và Ukraina bỏ ra hàng chục tỷ euro để đăng cai EURO 2012 được coi là một canh bạc vô cùng tốn kém rủi nhiều hơn may.

Giấc mơ Barcelona

Theo ước tính hai quốc gia đồng chủ nhà tại EURO 2012 là Ba Lan và Ukraina đã bỏ ra gần 50 tỷ euro (phần lớn là từ ngân khố) để tổ chức sự kiện thể thao kéo dài chỉ ba tuần lễ này. Dự tính, Ukraina phải chi 16 tỷ euro còn con số này về phía Ba Lan là gần 25 tỷ euro cho công tác tổ chức. Khi nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng, đây có phải là một chính sách đúng đắn của hai quốc gia Đông Âu vốn được xếp hạng có tiềm lực kinh tế trung bình?

Những hoài nghi về kênh đầu tư đầy may rủi này đã dấy lên từ rất lâu nhưng cuối cùng BTC vẫn quyết định chi bộn tiền cho giải đấu bởi họ luôn giữ niềm tin rằng mình sẽ trở thành một “Barcelona mới”. Barcelona chính là hình mẫu mà Ba Lan và Ukraina đang tìm kiếm ở EURO 2012. Năm 1992 là một mốc son trong lịch sử thành phố Barcelona. Thế vận hội Olympic đã đem lại sự đổi mới, tái phát triển và tái nâng cấp, biến thủ phủ của xứ Catalunya trở thành trung tâm thương mại, du lịch và giải trí như ngày nay. Theo ước tính sau sự kiện năm 1992, số du khách tới thủ phủ xứ Catalunya tăng gấp đôi và từ vị trí thứ 11, giờ Barcelona đã là thành phố du lịch lớn thứ 6 của châu Âu. Người Ba Lan và Ukraina cũng muốn có được hiệu ứng như Barcelona. “Chúng tôi có những tấm gương rõ ràng và điển hình để noi theo. Tổ chức giải đấu vô địch châu Âu sẽ tạo ra sự thay đổi trong kinh tế xã hội ở Ba Lan”, Jacek Bochenek, người đứng đầu ban chuyên trách EURO 2012 ở công ty kiểm toán Deloitte cho hay.

776398_small_75290.jpg

Euro và bài toán kinh tế - Ảnh Getty

EURO 2012 chính là giải đấu quốc tế đầu tiên được tổ chức ở vùng đất từng bị chia cắt bởi “Bức màn sắt”, nơi không phải là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch. Thế nhưng các nhà tổ chức vẫn tin rằng sẽ có khoảng 700.000 đến 1 triệu CĐV sẽ đến Ba Lan trong mùa EURO và sẽ tiêu tốn tới 193 triệu euro cho các dịch vụ mà họ sử dụng tại đây. Dòng du khách kéo về sẽ mang lại những tác động cho nền kinh tế một khi Ba Lan và Ukraina có chính sách quảng bá hợp lý. “Du khách chính là đại sứ du lịch của chúng tôi. Sẽ không có một cơ hội thứ hai nữa”, Rafal Szmytke- quan chức trong ngành du lịch của Ba Lan cho hay. Họ cũng đánh giá rằng số lượng khách nước ngoài hiện tại là 10 triệu lượt/năm sẽ tăng lên đến 13.6 triệu vào năm 2013 và sẽ tiếp tục tăng lên cho tới năm 2020.

Thực tại Hy Lạp

Những tính toán của cơ quan chức năng không hề là viển vông và mục tiêu đạt được thành công như Barcelona vào năm 1992 là rất hợp lý nhưng chỉ trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang phát triển một cách ổn định chứ không phải như hiện tại.

Khủng hoảng kinh tế, vấn đề nợ công, các chính sách thắt lưng buộc bụng trực tiếp tác động đến cuộc sống của người dân nhiều nước châu Âu. Theo tính toán của hội CĐV Anh thì họ sẽ mất tới 600 euro/đêm tại một khách sạn hạng xoàng ở Kiev hay Donetsk và cộng thêm tiền vé, ăn uống, mỗi ngày họ sẽ tiêu tốn 800 euro, một con số “khủng” trong nền kinh tế đang kiệt quệ. Đáng nói hơn là có nhiều quốc gia tham dự EURO đang nằm trong danh sách “đen” về kinh tế. Hy Lạp đứng trên bờ vực phá sản do khủng hoảng nợ công, Ireland suýt vỡ nợ, Italia và Tây Ban Nha cũng khốn đốn về khủng hoảng kinh tế. Cả những nước có tiềm lực như Đức hay Pháp cũng đang thấp thỏm cải thiện chính sách để tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự như các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Người Ba Lan và Ukraina mơ về giấc mơ Barcelona năm 1992 thì cũng cần trở về với thực tại của Hy Lạp khi kinh tế của họ kiệt quệ do căng mình hết sức để tổ chức thành công Olympics 2004 tại thủ đô Athens.


Theo Thethaovanhoa.vn - ĐT