13 vòng đấu của SLNA được chia thành 2 mảng sáng-tối, 5 vòng đấu đầu tiên kết thúc bằng chiến thắng bất ngờ trước nhà đương kim vô địch Hà Nội trên sân Hàng Đẫy với tỷ số 1-0. Chuỗi 5 trận tiếp theo thực sự là cơn ác mộng cho đội bóng áo vàng, khi họ lần lượt thua TP.HCM (1-3), Nam Định (3-0), Quảng Nam (2-1), Viettel (1-2), Quảng Ninh (0-2), duy nhất có trận hòa đầy may mắn trên sân nhà Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (1-1). Ngoại trừ TP.HCM và Than Quảng Ninh được đánh giá cao hơn SLNA, các đội còn lại đều thuộc nhóm nguy cơ nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn trắng tay.
Không mất thế trận
Với góc độ chuyên môn, SLNA không quá bị đối phương lấn át về thế trận. Theo thống kê, thời gian cầm bóng của đội bóng xứ Nghệ từ vòng 6 đến 11 lần lượt là 49%, 49%, 47%, 52%, 49%, 42%. Ngoại trừ trận đấu trên sân Cẩm Phả, HLV Phan Thanh Hùng đã chủ trương yêu cầu các cầu thủ chủ nhà cầm bóng, phá lối chơi của SLNA khiến cho đội bóng xứ Nghệ chỉ cầm bóng 42%. Với trình độ kỹ thuật cao hơn, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã có tỷ lệ cầm bóng vượt trội, các trận đấu còn lại thì SLNA đều cầm bóng xấp xỉ đối thủ.
Thậm chí trong trận gặp tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đội chủ sân Vinh cầm bóng 52%, cao hơn đối thủ khá nhiều, tung ra số cú sút gấp đôi (16 so với 8) nhưng rốt cuộc họ vẫn bị thủng lưới trước. Phải công nhận 1 điều, chất lượng các đường chuyền cuối cùng của các cầu thủ SLNA thuộc dạng tệ nhất V.League 2020 (chỉ hơn Hải Phòng).
Các cầu thủ xứ Nghệ không giỏi trong việc tổ chức bật tường đập-nhả, tấn công trung lộ nên đành sử dụng rất nhiều đường tạt bóng bổng. Các tiền vệ biên tạt bóng thiếu độ chính xác, còn các ngoại binh lại không thạo không chiến nên đối thủ dễ chống đỡ. Rất hiếm khi thực hiện đường chuyền cuối cùng, các cầu thủ xứ Nghệ có hơn 1 phương án tiếp cận khung thành đối phương, nên các hậu vệ đối phương khá dễ dàng đánh chặn.
Non kinh nghiệm trận mạc, lại vướng phải tâm lý muốn có bàn thắng cho riêng mình nên có khá nhiều tình huống các cầu thủ trẻ SLNA đã bỏ mất những cơ hội ngon ăn. Điển hình trận gặp Than Quảng Ninh mới đây, phút 26 từ đường chuyền của Felipe Martins, tiền vệ trẻ Đặng Văn Lắm trong sự truy cản của 2 hậu vệ Quảng Ninh, thay vì chuyền cho Hồ Tuấn Tài đang có vị trí thuận lợi hơn đã tự mình dứt điểm chệch cột dọc.
Căng cứng tâm lý
Bản thân Hồ Tuấn Tài, cầu thủ đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của SLNA tính đến thời điểm này nhưng hiệu suất ghi bàn cũng khá thấp. Khá nhiều tình huống đối diện với thủ môn đối phương nhưng Tuấn Tài bỏ lỡ cơ hội một cách đáng tiếc. Hiệu suất ghi bàn của Tuấn Tài cũng là “căn bệnh” chung của các cầu thủ SLNA, khiến họ chỉ có được 7 bàn thắng sau 13 vòng đấu. Càng khát bàn thắng, họ càng căng cứng khi ra sân và không thể kết thúc như ý muốn các tình huống khá ngon ăn trước khung thành đối phương.
Nếu như Peter Samuel vẫn thiếu đi sự nhạy cảm cần thiết trong những cú sút, đường chuyền quyết định nên vô duyên trước khung thành thì tân binh Felipe Martins cho thấy mình vẫn cần thêm nhiều thời gian để hội nhập. Trên sân Cầm Phả trong 1 tình huống không bị kèm Felipe Martins vẫn đánh đầu lệch hướng khá xa từ đường chuyền của Mai Sỹ Hoàng. Trước đó, chính cầu thủ Brazil này đã không làm tốt việc chống bóng bổng khi tham gia phòng ngự trong 1 tình huống đá phạt góc để Lastro Neven tì đè, đánh đầu ghi bàn.
Rõ ràng, cả cầu thủ tạt bóng lẫn cầu thủ làm nhiệm vụ ghi bàn của SLNA tại thời điểm này đều có trạng thái tâm lý không tốt khiến khi gặp các đội thủ chót bảng nhưng họ vẫn bị thua và hòa. Ngoài công tác chuyên môn, các cầu thủ SLNA vẫn cần sự có mặt của chuyên gia tâm lý để giúp các cầu thủ trẻ có được trạng thái tốt nhất trong giai đoạn khó khăn này.