(Baonghean) - Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về trường hợp không biết chữ vẫn lên lớp 4, phản ánh 5 học sinh Trường Tiểu học Thanh Văn, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (trường đạt chuẩn quốc gia năm 2002) không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn tuần tự lên lớp. Bài viết nói rõ về trường hợp của em Nguyễn Thị Lê, người đã "được học hè để lên lớp 4 nhưng viết không được, đọc cũng chẳng xong". Bố của cháu Lê bức xúc, chất vấn nhà trường và xin cho con được học lại từ lớp 1 nhưng không được chấp thuận. Tối thứ bảy 15/2, bản tin thời sự VTV cũng có phóng sự nói về trường hợp số học sinh tiểu học ở trường này sắp học xong chương trình lớp 3 mà hầu như không biết đọc, biết viết.

Một bạn học sinh lớp 3 nhưng viết sai hầu hết những từ đơn giản vốn dành cho học sinh lớp 1. Ảnh: VTV Online

Chuyện ở Thanh Văn không phải cá biệt, người viết bài  này cách đây hơn 6 năm,  trong chuyến đi thực tế đã tình cờ “mắt thấy tai nghe” ở một lớp học Trường THCS miền núi Quỳ Hợp chỉ cách trung tâm huyện, cách Phòng GD&ĐT chưa đầy 3 cây số, giao thông khá thuận lợi, vậy mà một số học sinh trường này đã học lên đến lớp 9 vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Mọi người gọi đó là những học sinh "ngồi nhầm lớp".

Như vậy chuyện ở Trường Tiểu học Thanh Văn, huyện Thanh Chương hay cả một số học sinh THCS ở huyện Quỳ Hợp vẫn chưa phải là  hy hữu của ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An. Được biết, cách đây không lâu, chuyện tương tự cũng đã được phát hiện ở Kiên Giang, Bắc Giang... Có thể khẳng định hệ lụy này là do bệnh thành tích. Có ý kiến cho rằng, những chứng bệnh ấy thể hiện rõ sự nguy hiểm đặc biệt, để lại hậu quả nặng nề đối với thế hệ trẻ và cộng đồng. Đó là sự vô trách nhiệm của những người làm công tác “trồng người”.

Thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo đã tuyên chiến với bệnh thành tích thông qua cuộc vận động "Hai không". Tuy đã vào cuộc quyết liệt trên bình diện rộng, những đâu đó vẫn lấp ló sự gian lận, căn bệnh trầm kha là “thành tích” vẫn chưa được chữa trị triệt để. 

Sơn Tử Phước