Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 2.560 tổ hợp tác, tăng 370 đơn vị, 808 HTX, Liên hiệp HTX, tăng 90 đơn vị (so với năm 2006); trung bình mỗi năm khu vực kinh tế tập thể và làng nghề đóng góp từ 500 - 600 tỷ đồng và từ 15 đến 20 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần không nhỏ vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm quyền lợi cho các gia đình, xã viên.

Hoạt động của các HTX ngày càng đa dạng và hiệu quả đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển đem lại giá trị sản xuất kinh doanh và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở các địa phương, rõ nhất là các HTX phi nông nghiệp, các quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, kinh tế tập thể ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí và có nhiều đóng góp vào kết cấu hạ tầng nông thôn (bê tông hóa kênh mương, thủy lợi, giao thông nội đồng...), áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: giống, phân bón vào sản xuất thâm canh, hoạt động khuyến nông.

Không những vậy, các HTX nông nghiệp vừa củng cố chất lượng hoạt động dịch vụ vừa mở rộng SXKD. Nếu như năm 2006 số HTX giỏi chỉ đạt 3,1% thì đến hết năm 2010 đã đạt trên 30%. Các HTX phi nông nghiệp chú trọng đầu tư, mở rộng quy mô, chuyển đổi ngành nghề để phù hợp với tình hình mới và xu thế hội nhập. Bên cạnh xu hướng liên doanh liên kết giữa các HTX với các tổ chức khác như: làng nghề, DN tiếp tục mở rộng và mang lại hiệu quả, ngày càng có nhiều mô hình HTX mới xuất hiện, đáp ứng nhu cầu hợp tác phối hợp trong lĩnh vực kinh tế: HTX chợ, HTX môi trường, HTX làng nghề, HTX trồng rừng...

Kinh tế tập thể đóng vai trò cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động.

Trên cơ sở kết quả 10 năm triển khai mô hình phát triển kinh tế hợp tác tại Nghệ An đã tạo được những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên,để kinh tế tập thể có những bước phát triển tích cực hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, các tổ chức kinh tế này cần tập trung nguồn lực, chính sách đất đai; tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tiếp thị và mở rộng thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng...

Trong quá trình thực hiện, đối với từng mô hình HTX có định hướng hoạt động cụ thể: HTX sản xuất tập trung, khuyến khích tăng cường đầu tư chiều sâu, đầu tư phát triển công nghệ mới và trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở phát triển tài sản, vốn thuộc sở hữu tập thể với quy mô lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế của HTX. Nếu HTX làm dịch vụ, cần quan tâm phát triển mở rộng thành viên góp vốn và sử dụng dịch vụ của HTX; tăng dần mức vốn góp của thành viên để tăng vốn lưu động của HTX. Hướng dẫn HTX đưa ra cơ chế tạo động lực cho xã viên tham gia xây dựng vốn và tài sản thuộc sở hữu tập thể, lấy hiệu quả của việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ để tăng cường tích luỹ nội bộ, duy trì và phát triển vốn tài sản thuộc sở hữu tập thể của HTX.

Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, do vậy, trong giai đoạn này, các HTX chắc chắn sẽ đóng vai trò lớn để góp phần hoàn thành mục tiêu chung, vì vậy, để khu vực kinh tế tập thể phát triển cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản về đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Tiếp tục tăng cường nhiệm vụ củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX đã có; đồng thời vận động xây dựng, thành lập các mô hình HTX mới, trong đó trọng tâm là các HTX làng nghề, HTX chợ, HTX tín dụng, HTX môi trường, HTX lâm nghiệp, HTX nhà ở... Chú trọng phát triển toàn diện về tổ hợp tác, Liên hiệp HTX; thường xuyên theo dõi hướng dẫn các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các HTX, làng nghề để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Nhung