(Baonghean) - Nghệ An với diện tích tự nhiên 16.449 km2 có tài nguyên phong phú và đa dạng, nằm sát dãy Trường Sơn hướng ra biển Đông, vị trí địa lý ấy gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt. Ở chế độ cũ các thế kỷ trước, thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống Thủy lợi Bắc lưu lượng thiết kế 37,7m3/s, phục vụ tưới cho 15.000 ha/thiết kế là 31.900 ha; cho 4 huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; hệ thống Thủy lợi Nam gồm cống Nam Đàn, hệ thống kênh thấp, cống Bến Thủy và gần 10 hồ chứa. Tuy nhiên, công trình xây dựng được đầu mối lại thiếu hệ thống kênh mương, tổng diện tích tưới của các hệ thống công trình thời Pháp thuộc chỉ đáp ứng được gần 20.000 ha nên sản xuất nông nghiệp Nghệ An vẫn trong điều kiện chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, mất mùa, thiếu đói triền miên.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhằm phá hoại kinh tế hậu phương vùng tự do, các công trình thủy lợi lớn ở Nghệ An trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay địch như: Đập Đô Lương, cống Mụ Bà của hệ thống Thủy nông Bắc. cống Nam Đàn, cống Bến Thủy của hệ thống Thủy nông Nam đều bị đánh phá làm hư hỏng nghiêm trọng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, vừa phải sửa chữa công trình thủy lợi để phục vụ tưới cho 2 vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh, công tác thủy lợi được Tỉnh ủy Nghệ An ban hành các nghị quyết đẩy mạnh từ phong trào, lên thành cao trào thủy lợi của toàn dân trên khắp mọi miền trong tỉnh.
Trong thời kỳ này, nhiều công trường thủy lợi được mở ra đã xây dựng hàng trăm hồ chứa nước và tu sửa hàng trăm km hệ thống đê điều. Các công trình đó đã kịp thời phục vụ sản xuất, chống lũ, góp phần tích cực phục vụ mục tiêu chi viện cho chiến trường với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong khói lửa chiến tranh và trong công cuộc xây dựng CNXH, đội ngũ cán bộ kỹ thuật thủy lợi được đào tạo và trưởng thành đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ giao phó.
Sau ngày đất nước thống nhất, với lực lượng lao động dồi dào, mong muốn chiến thắng đói nghèo, Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh đã phát động phong trào thủy lợi, mở đầu cho các phong trào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, công tác thủy lợi bước sang thời kỳ mới. Được Nhà nước đầu tư cùng với phát huy cao độ sức người, sức của, Nghệ Tĩnh đã xây dựng nhiều công trình có quý mô lớn, kỹ thuật phức tạp như hồ Kẻ Gỗ, cống Diễn Thủy, cống Diễn Thành, kênh tiêu Vách Bắc, hồ Vực Mấu, cống Nghi Quang... Các công trình đầu mối và kênh chính trên 2 hệ thống thủy lợi lớn Bắc, Nam và hệ thống đê sông, đê biển được tu sửa, nâng cấp.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đất nước đổi mới, với tư duy mới, công tác thủy lợi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ, thủy lợi không chỉ cho cây lúa mà cho cả các mục tiêu kinh tế - xã hội khác. Minh chứng là ngày 21/5/2001, phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ban chấp hành sau Đại hội Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU "Về thủy lợi cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa kênh mương nghị quyết quy định lấy ngày 16 tháng 10 hàng năm làm ngày phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh ra quân làm thủy lợi. Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hợp lòng dân và sức dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo thành phong trào cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trên khắp mọi miền của tỉnh và duy trì bền vững.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (1945 – 2015) Thủy lợi Nghệ An đã tạo dựng được một mạng lưới công trình thủy lợi trải khắp trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh bao gồm 1.478 công trình gồm: 2 hệ thống thủy lợi lớn là hệ thống Thủy lợi Bắc, hệ thống Thủy lợi Nam, 648 hồ chứa nước, 548 trạm bơm điện, 339 đập dâng, 6.300 km kênh mương, trong đó 4.700 km đã được kiên cố hóa. Hàng năm công trình thủy lợi đã cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, cấp nước tưới cho gần 170.000 ha lúa, tiêu 50.000 ha, nuôi trồng thủy sản 7.000 ha, tưới câỵ công nghiệp và cây ăn quả 1.485 ha. Hệ thống đê biển, đê sông với tổng chiều dài 444 km, bảo vệ cho 13 vạn ha và trên 1 triệu dân, ngăn mặn cho 5.000 ha đất canh tác.
Đặc biệt trong nhũng năm gần đây, các công trình được xây mới như: hệ thống Thủy lợi Kẻ Cọc - Khe Nhã, hồ chứa nước Sông Sào, hồ Khe Lại, cống Nam Đàn 2; Sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Mấu, cụm hồ huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, cụm hồ Vệ Vừng - Quán Hài, hồ Xuân Dương, sửa chữa nâng cấp gần 100 hồ lớn nhỏ ở các địa phương; Tu sửa, nâng cấp hệ thống đê Tả Lam, hệ thống đê biển khá hoàn chỉnh, đảm bảo chống được bão cấp 10, ứng phó với triều cường p=5%, như đê Quỳnh Lộc, đê Long Thuận Thọ, đê Kim Hải Hùng, đê Bãi Ngang, đê Trung Thịnh Thành, đê Bích Kỷ Vạn Ngọc, đê La Vân Nghi Yên...
Hệ thống thủy lợi đồ sộ ấy đã tạo tiền đề cho sản xuất thâm canh lương thực, chuyến dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tích tụ ruộng đất và các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An. Các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng tăng sản lượng lương thực của Nghệ An từ 25 vạn tấn (1955) lên 1 triệu tấn từ năm 2004, đặc biệt năm 2014 đã đạt 1,2 triệu tấn lương thực.
Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, công nhân trong ngành và Hội Thủy lợi tỉnh nhà. Trong thời gian qua hội đã làm tốt công tác tư vấn và phản biện tạo điều kiện đưa ngành có bước phát triển vững chắc.
Thành tựu giành được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng để những người làm công tác thủy lợi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và đến năm 2020.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xu thế lũ lụt, hạn hán ngày càng gia tăng khốc liệt hơn thì nhiệm vụ của nhũng người làm công tác thủy lợi càng nặng nề hơn. Theo đó, mục tiêu đề ra năm 2020 của ngành Nông nghiệp đó là mỗi năm các công trình thủy lợi phục vụ tốt công tác tưới tiêu cho 180.000 ha lúa, 50.000 ha màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 90% dân số nông thôn, cấp nước nuôi trồng thủy sản 10.000 ha, cấp và tiêu thoát nước cho đô thị và khu công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp cũng đã đề ra một số giải pháp tích cực như: Tiếp tục tu sửa, nâng cấp hiện đại hóa các hệ thống công trình thủy lợi lớn, đảm bảo an toàn hồ đập, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, các cống đầu cửa sông, cửa kênh, hệ thống tiêu thoát lũ, mở rộng đối tượng phục vụ và an toàn trong lũ lụt, thiên tai; Nâng cấp hệ thống đê điều, hệ thống cảnh báo và công trình phòng, chống bão lụt, nhất là hệ thống đê sông, đê biển, đê nội đồng và kè chống sạt lở đi đôi với việc bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình lớn như: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc, cống lấy nước Nam Đàn, xúc tiến đầu tư các dự án như cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, sông Cấm, trạm bơm cấp nước cho kênh Nam Đàn để lợi dụng nước ở thượng nguồn sông Cả đưa nước vào đồng ruộng, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công đến quản lý khai thác công trình thủy lợi như hoàn chỉnh phân cấp quản lý, vận hành các công trình thủy lợi hướng chuyên môn hóa để quản lý có trách nhiệm, bài bản, chuyên nghiệp và khoa học, để đáp ứng với sự biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên, đặc biệt là tiết kiệm nguồn nước, thủy lợi cần kết hợp tốt với các công trình thủy điện đưa vai trò, nhiệm vụ cấp nước cho nông nghiệp và các lĩnh vực khác song song với việc phát điện, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của vùng hạ du.
Thành tựu đạt được 70 năm rất to lớn, rất đáng tự hào. Song công tác thủy lợi không có điểm dừng mà sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thủy lợi trong thời kỳ phát triển mới. Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn. Những thế hệ làm công tác thủy lợi Nghệ An sẽ tích cực phấn đấu thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.
Nguyễn Văn Đệ
(Phó Giám đốc Sở NN và PTNT)