(Baonghean) - Hiện nay, Nghệ An đã xuất hiện một số ổ dịch H5N1 nhỏ lẻ ở các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, mới đây là Hưng Nguyên, Diễn Châu. Mặc dù chính quyền các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, công tác bao vây, dập dịch nhanh chóng, kịp thời, song vắc xin để tiêm phòng vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu.

Có thể nói Chính phủ không thiếu vắc xin H5N1, nhưng những năm gần đây Chính phủ không bao cấp vắc xin nữa mà vắc-xin cấp về trên cơ sở đăng ký của người chăn nuôi, một phần nữa để các địa phương chủ động dập dịch. Nhưng do người chăn nuôi không đăng ký vắc xin dịch cúm gia cầm ngay từ đầu năm nên lượng vắc-xin của ngành chức năng chỉ đủ để dập dịch khi có dịch. Tìm hiểu được biết một liều vắc-xin H5N1 giá gần 400 đồng/mũi, nhưng bà con chăn nuôi vẫn không nâng cao ý thức phòng dịch, không đăng ký với thú y. Để đến khi có dịch cúm gia cầm mới báo với cơ quan thú y để tiêu hủy hoặc tiêm phòng cho đàn gia cầm xung quanh vùng có dịch. 

Trang trại vịt của anh Hưng ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên tiêm phòng đầy đủ nên không xảy ra dịch bệnh.

Theo ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN và PTNT Nghệ An: Vừa qua, Nghệ An xẩy ra một số ổ dịch cúm gia cầm H5N1 chủ yếu trên đàn vịt ở Hưng Nguyên, Diễn Châu, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. Các ổ dịch đã được bao vây, khống chế, không có dấu hiệu lây lan. Tuy nhiên, lo ngại về mầm bệnh vẫn tiềm ẩn trong gia súc, gia cầm, trong môi trường, bởi vậy công tác phòng, chống, giám sát dịch cần được tăng cường. Đáng lưu ý là người nông dân ý thức phòng dịch chưa cao, chưa chủ động đăng ký vắc-xin tiêm phòng H5N1 với cơ quan thú y, nên khi có dịch, cơ quan chức năng không đủ lượng vắc-xin để dập dịch. Bởi vậy người chăn nuôi gần vùng gần ổ dịch thường đứng ngồi không yên. Anh Nguyễn Văn  Nghệ - Chủ tịch xã Diễn Trường - Diễn Châu - nơi vừa mới xẩy ra ổ dịch cúm vào ngày 6/3 cũng cho hay:  Toàn xã có khoảng 33.000 con gia cầm, song lượng vắc-xin cấp về cũng  đủ tiêm cho 3 xóm là xóm 3 (nơi có ổ dịch) và  xóm 2, xóm 4, bên cạnh đó ưu tiên  tiêm cho thủy cầm. Còn các xóm khác chưa tiêm được vì không có dịch và cũng không đủ vắc-xin (toàn huyện Diễn Châu được cấp 40.000 liều).

Ông Đinh Mậu Công - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang - TX. Hoàng Mai cho biết: Quỳnh Trang cũng khá gần với Quỳnh Xuân - là địa bàn xuất  hiện dịch cúm gia cầm, cả xã có 40.000 - 50.000  con gia cầm, tuy nhiên, đến nay cũng chưa thấy cơ quan chức năng triển khai tiêm phòng vụ xuân. Thực ra trong nhận thức của một số xã và bà con nhân dân, việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi là việc của Nhà nước. Một số người thì lại chưa được tuyên truyền nên không biết để tiêm phòng. Gia đình bà Nguyễn Thị Hợi - xóm 15, Nghi Phú – TP Vinh có đàn gia cầm khá lớn nhưng chưa bao giờ bà tiêm phòng, đặc biệt là vắc-xin H5N1. Mùa đông khi trời giá rét, mưa phùn, bà thường bảo vệ gia cầm bằng cách không thả ra hoặc bật điện sáng trong chuồng cho gà. Bà cũng không biết vắc-xin H5N1 mua ở đâu. Anh Nguyễn Hoan cũng ở xóm 15, Nghi Phú có một đàn vịt nhưng anh cũng không tiêm vắc-xin H5N1 và anh cũng chưa thấy cán bộ thú y hay cán bộ chính quyền đến tuyên truyền về việc tiêm phòng dịch cúm gia cầm.  

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 347.000 liều vắc-xin và 1.300 lít hóa chất để dập  dịch. Đồng thời cấp 10.000 lít hóa chất để khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó Nghi Lộc cấp 4.000 liều, 300 lít hóa chất, Diễn Châu 40.000 liều và 400 lít hóa chất, Yên Thành 50.000 liều, 300 lít, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai cấp 157.000 liều, 300 lít, Hưng Nguyên 20.000 liều, Thành phố Vinh 30.000 liều, Đô Lương 10.000 liều. Số vắc-xin này mới đủ để không chế các vùng có dịch. 

Trong khi đó, số gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 17 triệu con, trong đó 9 triệu con vịt. Mà mỗi con vịt lại cần phải tiêm 2 mũi (gà chỉ cần tiêm một mũi). Như vậy lượng vắc-xin cần tiêm cho vịt cũng đã tới 18 triệu liều. Nếu tiêm cho gà (8 triệu con) nữa thì tổng số vắc-xin cần là 26 triệu liều. Số lượng vắc-xin đó ngân sách không thể kham nổi mà cần phải người chăn nuôi chi trả. 

 Một nhận thức sai lầm của người chăn nuôi là khi xẩy ra dịch mới tiêm phòng. Thực ra lúc này mầm bệnh đã tiềm ẩn khắp nơi, trong nước, trong không khí, trong phân gia cầm. Ví dụ đàn vịt thả trong ao, người chăn nuôi không đủ hóa chất để xử lý nước trong ao mà mới chỉ rắc vôi bột xung quanh. Thế nhưng khi tháo nước này đi thì nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao. Hay như tình trạng hiện nay người chăn nuôi hay bán phân gia cầm cho các ao cá việc lây lan cũng dễ hiểu. Mầm bệnh chỉ đợi bùng phát khi có điều kiện thuận lợi. Nếu người chăn nuôi không nâng cao ý thức phòng bệnh ngay từ đầu thì chúng ta cứ mãi chạy theo dịch.

Bởi vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêm phòng đến tận người chăn nuôi. Những trang trại lớn cần có cam kết về tiêm phòng và có cơ chế giám sát của cơ quan thú y. Nếu không đảm bảo điều kiện tiêm phòng không cho lưu thông, xuất chuồng. Bên cạnh đó, các chốt kiểm dịch cũng cần kiểm soát lưu thông hiệu quả để ngăn chặn nguồn bệnh từ địa phương khác đến.

Bài, ảnh: Châu Lan