(Baonghean.vn) - Truyền thôngvà cổ động viên được ví như hai "tiền đạo" theo sơ đồ 4-4-2 quen thuộc của bóng đá. Đây là mô hình chuẩn mà Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã và đang áp dụng, đồng thời truyền bá nó cho hầu hết các liên đoàn thành viên.Nhưng xem ra các sân cỏ Việt Nam, đặc biệt là V-League lại đang lâm vào cảnh đá không có "tiền đạo".

Không phải ngẫu nhiên trong 11 vấn đề lớn của một CLB bóng đá chuyên nghiệp thì truyền thông và cổ động viên được AFC đánh giá như hai "tiền đạo". Mà muốn 2 "tiền đạo" này chạy nhanh, đá tốt và chịu khó ghi bàn thì từ BTC giải đến CLB đều phải đầu tư thời gian, công sức chứ không đơn thuần thả nổi.

"Tiền đạo truyền thông"

V-League: Đang đá không có 'tiền đạo' ảnh 1

Thực ra, không phải V-League vắng bóng truyền thông mà ngược lại ngoài 9 tờ báo thể thao còn có hàng chục tờ báo điện tử, đài truyền hình liên tục cập nhật về diễn biến các sân cỏ. Chưa kể, các fan hâm mộ còn lập ra hàng trăm trang mạng xã hội bàn luận về cầu thủ, CLB, trận đấu mà mình yêu thích.

Nhưng do thực trạng sân cỏ Việt Nam, với những lối xử lý nửa vời của các nhà quản lý bóng đá khiến cho truyền thông luôn dậy sóng và làm cho hình ảnh bóng đá ngày càng méo mó, xấu xí hẳn đi. Có những vòng đấu V- League ngoài những hình ảnh, bài viết về tiếng còi méo, bầu A nói xấu bầu B, người ta không tìm thấy đâu tin tốt lành.

Có quan chức của VFF cho rằng truyền thông trong nước không chịu đồng hành với bóng đá nước nhà. Đỉnh điểm là vụ Samson thẳng chân đạp hủy diệt đầy màu sắc bạo lực của Châu Ngọc Quang của HAGL. Khi ấy đồng loạt báo chí phản ứng Ban Trọng tài đã sáng tác ra thuật ngữ “vào bóng liều lĩnh” để “chạy tội” cho Samson.

Nhưng cũng chính vì điều ấy mà người hâm mộ đã phải lắc đầu ngao ngán khi kênh Fox Sport chiếu đi chiếu lại hàng trăm lần hình ảnh: Trên sân Panaad ở TP Bacolod (Philippines), lối đá bạo lực của Samson đã biến thành hành vi côn đồ, làm xấu mặt bóng đá Việt Nam. Samson chạy đến húc vào một hậu vệ của CLB Ceres Negros sau đó tiếp tục gây hấn với một cầu thủ khác, anh lao tới vung nắm đấm vào phần cổ và mặt của cầu thủ này.

Rõ ràng lỗi không phải do “tiền đạo truyền thông” mà bóng đá Việt Nam nó thế, thì truyền thông không thể nào phản ánh khác đi được, dù rất muốn.

"Tiền đạo cổ động viên"

V-League đang lâm vào cảnh “phú quý giật lùi”, càng ngày khán giả càng ít đến sân. Nếu như lượt đi, số lượt khán giả đến sân V-League 2014 là 8.009 người/trận thì các năm sau đó chỉ còn 7.873 người/trận; 7.490 người/trận và năm nay là 5.943 người/trận.

Không ít cầu thủ XSKT. Cần Thơ và Long An cảm thấy lạc lõng khi phải ra sân thi đấu với vỏn vẹn 1.000 - 2.000 người, thua xa một trận đấu bóng ở làng quê. Những tưởng “chuyển nhà” vào Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm khán giả nhưng thầy trò HLV Đức Thắng vẫn lọt thỏm trong sân Thống Nhất.

Trong bối cảnh V-League đang mất dần khán giả thì nỗ lực của ông bầu Công Vinh rất đáng được ghi nhận. Đích thân đứng trực tiếp bán vé, thuê ca sĩ về sân biểu diễn, tặng áo cho fan hâm mộ... Công Vinh đang bằng mọi cách lôi kéo khán giả đến sân cổ vũ cho CLB TP HCM lần đầu dự V-League.

Đến nay, lượng khán giả đến sân của CLB TP HCM đã xấp xỉ bằng S.Khánh Hòa, SLNA - là một thành công của ông bầu vốn xuất thân từ bóng đá, biết trân trọng các “tiền đạo cổ động viên”.

Quang Hải, một cầu thủ từng đá cho Hải Phòng tâm sự: “Chỉ chơi bóng ở Lạch Tray, với những khán đài chật ních và hừng hực không khí cổ động, tôi mới hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp. Tôi đảm bảo rằng, sẽ không một ai phải hối tiếc điều gì cả, nếu một lần được thi đấu ở Lạch Tray”. 

Việc khán giả không đến sân, không đơn giản chỉ là mất doanh thu bán vé, cầu thủ không có động lực thi đấu mà còn đối diện nhiều hệ lụy sẽ đến từ các nhà tài trợ. Không doanh nghiệp nào hào hứng ném cả đống tiền cho đội bóng đá dưới sân mà lèo tèo vài người xem trên khán đài./.

AT

TIN LIÊN QUAN