Ở top cuối, cơ hội vượt thoát vẫn mở ra với cả 3-4 đội hiện đang xếp cuối như Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh hay SHB Đà Nẵng, chỉ một trong số này tụt hạng nên chỉ cần một vòng đấu có kết quả tốt, mọi việc sẽ xoay chiều. Hiện không ai dám nói về một đội bóng cụ thể nào có nhiều nguy cơ nhất, nhưng xem ra Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ khó khăn hơn khi lực lượng không dồi dào, nguồn lực dopping cũng không lớn…

Đáng lẽ các cuộc đua top đầu, top cuối thu hút nhiều sự quan tâm nhưng hiện tại điều đáng nói, đáng buồn lại nằm ở top giữa, nơi các đội bóng đã an phận trụ hạng, có cơ hội để “ban phát” điểm cho các đội “có nhu cầu”. Người ta đã nhìn thấy các đội bóng mất động lực thi đấu này từ giai đoạn lượt về, tiêu biểu nhất là Hoàng Anh Gia Lai với cả chục trận không biết mùi chiến thắng là gì, thua sút chút ít là Sông Lam Nghệ An và góp thêm vào danh sách mới đây là Đông Á Thanh Hóa.

V-League 2022 và chuyện cuối mùa giải ảnh 1

Các cầu thủ Sông Lam Nghệ An đã sẵn sàng cho cuộc tiếp đón Bình Dương trên sân Vinh vào chiều 3/11. Ảnh: Đức Anh

Không mục tiêu rõ ràng (hoặc nói rất to nhưng làm ngược), mất động lực phấn đấu nên kết quả tốt là một điều xa xỉ. Để rồi có hiện tượng cười ra nước mắt: lãnh đạo, huấn luyện viên, cầu thủ ngôi sao… thay nhau hô hoán rằng thì là đã ra trận là muốn thắng, tuyệt không ai mong thua, rằng tử tế, không bao giờ phản bội ai, rằng kể lể thành tích, rằng… Chỉ có kết quả là điều ngược lại để đến nỗi lần lượt khán giả phố Núi, rồi thành Vinh, rồi xứ Thanh… lần lượt “quay xe” với đội bóng thân yêu. Người hâm mộ đội bóng phố Núi từng đông đảo và thủy chung như thế, người hâm mộ Sông Lam Nghệ An trong Nam ngoài Bắc từng “phủ vàng” sân nọ, sân kia… nhưng lúc này thật khó để mong mọi điều vẹn nguyên, không trầy xước.

Vì sao câu chuyện đá lượt đi thật hay, tích trữ đủ hoặc thừa điểm để lượt về muốn đá sao cũng được, ai nói gì cũng mặc, thậm chí còn dám thách thức hay như câu chuyện của 3 đội top giữa nói trên vẫn cứ diễn ra mà không có một biện pháp tích cực nào?

Ban tổ chức giải V-League vừa ra thông báo mới đây, ngoài việc đảm bảo an toàn, an ninh các trận đấu cuối, còn chú trọng công tác chuyên môn và tinh thần, thái độ thi đấu, trong đó dù không đích danh ai nhưng cũng nói thẳng “đặc biệt lưu ý những biểu hiện tiêu cực cho nhường điểm ở thời điểm cuối mùa giải”. Chuyện này ai cũng biết là không mới, nói đến tất nhiên là không thừa nhưng biện pháp như thế nào, ai làm gì, ở đâu, nơi nào “nhạy cảm” nhất, cần giám sát đặc biệt… thì không hề được nói tới, được cảnh báo.

Trong các buổi tập gần đây của SLNA, huấn luyện viên Huy Hoàng đã thử nghiệm nhiều sơ đồ đội hình khác nhau. Ảnh: Chung Lê

Và cũng không thể nói được điều gì khi nhiều đội bóng đang thi đấu bí bách nhưng để ngoại binh “ngồi chơi xơi nước”, đang cần điểm nhưng cho cả loạt cầu thủ trẻ vào rèn sức đợi mùa sau (chưa biết có được giữ lại hay không, có phải thầy cũ hay thầy mới, thậm chí đội bóng tồn tại hay giải tán…), rồi đội nọ, đội kia cất cả loạt trụ cột mà không rõ nguyên nhân…Thế nên mới có chuyện trên sân nhà Hoàng Anh Gia Lai thua TP. Hồ Chí Minh, rồi cũng trên sân nhà Đông Á Thanh Hóa cũng lại thua đội bóng đang khát điểm vừa nêu, rồi Sông Lam Nghệ An cũng lại liên quan đến đội bóng đó… Chả lẽ bóng đá V-League đang trôi đi bình thường, không có gì đáng ngại, đáng nói? Cứ cho là vậy đi, nhưng chắc chắn số đông khán giả tinh tường thì không, không bao giờ. Chính họ với tình yêu bóng đá mãnh liệt và vô tư sẽ biết cách để tìm đến nơi còn có sự trung thực, thủy chung để tìm niềm vui sau cả tuần lao động mệt nhọc và ầm ĩ.

Đó là các trận đấu trên sân Lạch Tray với 22.000 khán giả cổ vũ, kết thúc trận đấu vẫn vang lên tiếng hát tự hào, cùng nhau đồng hành, tiến về phía trước, bỏ ngoài tai những vớ vẩn đâu đó đang làm mất đi vẻ đẹp của môn thể thao vua. Đáng nói nhất là chuyện cho nhường điểm của các đội top giữa, những đội không kém nhưng chắc chắn không phải là giỏi nhất, những hành vi dù được che lấp, giấu diếm nhưng sẽ không thể qua được sự tinh tường, khách quan của người hâm mộ và giới chuyên môn./.