Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 12/9, một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

815508_small_105384.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày báo cáo tiếp thu ý kiến về dự án luật. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của cơ quan soạn thảo và cho rằng dự án Luật được xây dựng công phu, kỹ càng, trách nhiệm với quy trình chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định Dự thảo có bước tiến bộ lớn so với những lần trình trước đây, công phu hơn, đi theo hướng giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội về tính khả thi đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm trong trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 67 theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.

Đối với đề nghị trước khi ra quyết định cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào điểm b khoản 4 Điều 74 của dự thảo Luật. Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Thu hồi đất - vấn đề nóng nhất, được cử tri và Quốc hội hết sức quan tâm đã được Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ. Về quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội, Thường vụ Quốc hội cho rằng để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.

Để hạn chế tùy tiện trong việc thu hồi đất, Điều 63 của dự thảo Luật đã quy định theo hướng cụ thể một số dự án, công trình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội; bổ sung quy định việc thu hồi đất phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đối với các dự án, công trình xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản quy mô lớn, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng cần quan tâm rà soát lại chính xác trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội bởi nhiều người sẽ cho rằng thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng có thể trùng với mục đích lợi ích quốc gia, công cộng, sự không rõ ràng này sẽ dẫn đến khó thực hiện.

Theo ông Phan Trung Lý, cần làm rõ mục đích và thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 62 và 63. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai.

Bà Trương Thị Mai nhìn nhận thực chất Điều 62 là quy định mục đích, Điều 63 quy định về thẩm quyền, dự án nên nghiên cứu lồng ghép 2 điều thành một. Đồng tình với việc gộp hai điều 62 và 63, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng vướng mắc nhất của dự thảo Luật là ở hai điều trên, các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội cũng sẽ bao gồm cả lợi ích quốc gia, công cộng, khó có thể quy định rạch ròi vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần làm rõ hai Điều 62 và 63, phải hoàn chỉnh cho thật khớp vấn đề thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng an ninh, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội và những quy định này phải đảm bảo phù hợp với những sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng với đó, quy định rõ cấp nào có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đối với những dự án Nhà nước không đứng ra thu hồi, người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận cũng phải quy định rõ trình tự, thủ tục trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên quy định những hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp, hạn chế giao quyền cho địa phương để tránh thu hồi tràn lan.

Về quy định giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giá đất tăng lên sau khi chuyển mục đích là do Nhà nước quyết định và đầu tư hạ tầng. Phần giá trị tăng lên này phải thuộc về Nhà nước và do Nhà nước điều tiết.

Đồng tình với quy định trên, song ông Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tính đến yếu tố điều tiết cho người dân, sau khi trừ đi giá trị đầu tư, trên cơ sở phần chênh lệch giá đất tăng lên nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước nên tính một tỷ lệ nào đó để điều tiết cho người dân thì thỏa đáng hơn là thu tất cả về ngân sách. Những dự án do doanh nghiệp đầu tư, cũng cần có sự điều tiết, phân chia trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tính lợi ích cho cả ba bên: Nhà nước-người dân-doanh nghiệp. Làm rõ hỗ trợ bao nhiêu trên cơ sở phần chênh lệch người dân sẽ thỏa mãn hơn và cũng giải quyết được những vấn đề khúc mắc khi xử lý những vấn đề tranh chấp về đất đai, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định chặt chẽ đất thuộc diện quy hoạch và đã công bố quy hoạch không được mua bán; rà soát lại 3 tổ chức Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Quỹ phát triển đất và Tổ chức phát triển quỹ đất bởi chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Từ nhìn nhận nhiều khu công nghiệp hứa hẹn sau khi thu hồi đất, xây dựng nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất ngay tại khu công nghiệp nhưng rồi người dân vẫn không có việc làm, bị loại bỏ với nhiều lý do khác nhau, bà Trương Thị Mai đề nghị Luật có chế tài để khẳng định thêm trách nhiệm của các cơ quan thi hành công vụ trong quá trình thu hồi đất, giải quyết những vấn đề hỗ trợ cho người dân.

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, được chỉnh lý, lấy ý kiến nhân dân và hoàn chỉnh thêm một bước để đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 6 vừa qua.

Vấn đề thu hồi đất cùng một số nội dung quan trọng của dự án Luật đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được cho ý kiến tại Hội nghị Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng 9 này trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII./.


Theo TTXVN - L.T