(Baonghean.vn) - Cử tri Nghệ An kiến nghị: Nhà nước cần quan tâm hơn  đối với các địa phương nghèo trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vì việc huy động vốn trong nhân dân hiện nay rất khó khăn. Bên cạnh đó quy định rõ vấn đề huy động mức đóng góp, tham gia của nhân dân, doanh nghiệp trong  xây dựng cơ sở hạ tầng; thay đổi một số tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới một cách linh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để chương trình này được thực hiện có hiệu quả hơn. 

Vấn đề này Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời như sau: 

- Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, theo đó khi phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ cho xây dựng nông thôn mới các năm 2014, 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quy định đối với các xã nghèo, đặc biệt khó khăn được ưu tiên phân bổ vốn với mức gấp 2 lần các xã không ưu tiên. 

images1732487_ng__i_d_n_ch_u_kh___con_cu_ng_l_m____ng_giao_th_ng_n_ng_th_n.jpgNgười dân Châu Khê (Con Cuông) làm đường giao thông nông thôn.

Ngày 03/3/2015, tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ban hành Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ cho xã thuộc các vùng khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn mới, giảm bớt tình trạng chênh lệch quá cao giữa các vùng khó khăn với các vùng khác như hiện nay.

Giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 193.155,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 63.155,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng), như vậy ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Chương trình trong 5 năm tới sẽ tăng ít nhất 3,8 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Trước mắt, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng cơ chế phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 đặc biệt ưu tiên đối với các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo đó tại Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 13/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về phương án phân bổ vốn các Chương trình MTQG năm 2016, các xã đạt dưới 05 tiêu chí được hỗ trợ ngân sách gấp 05 lần so với các xã không ưu tiên; các xã đặc biệt khó khăn còn lại được hỗ trợ gấp 04 lần so với các xã không ưu tiên.

Đường vào trung tâm xã Thanh Lương (Thanh Chương) được nâng cấp theo tiêu chí nông thôn mới.

- Về việc huy động đóng góp của người dân: Tại văn bản số 2003/TTg-KTN ngày 05/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật, không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội”.

- Về sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới:Trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thường xuyên yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện các tiêu chí để phù hợp với thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù theo hướng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí; đề xuất quy định những tiêu chí cơ bản bắt buộc phải thực hiện và những tiêu chí được vận dụng để địa phương có thể linh hoạt áp dụng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng mà vẫn đảm bảo đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia. 

Trang trại chăn nuôi bò Úc của Công ty TNHH Kiều Phương (Tân Kỳ).

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành liên quan, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2016-2020; đang tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2016./.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN