Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, sáng 4/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia vẫn lái xe, “nhiều người sáng ra đi làm không chắc chiều có về nhà hay không”, đồng thời đặt vấn đề trách nhiệm của tư lệnh ngành trước tình trạng tội phạm hoành hành gây bất an cho xã hội.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, mục tiêu cao nhất của ngành Công an là xây dựng trật tự kỷ cương, an toàn xã hội, làm sao có một xã hội không có tội phạm.
“Vấn đề chúng tôi lo lắng là mất an toàn giao thông. Không chỉ người Việt Nam mà khách nước ngoài đến Việt Nam cũng lo lắng vấn đề này” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan. Ngành GTVT phát triển hạ tầng giao thông. Lực lượng công an tổ chức giao thông.
Người đứng đầu Bộ Công an một lần nữa nhấn mạnh việc sẽ kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật đảm bảo TTATGT với nhiều chế tài nghiêm minh, trong đó có chế tài kiểm soát sử dụng chất kích thích, kiểm soát người uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
“Việc đo nồng độ cồn sẽ rất khó khăn khi mà Luật không cấm người uống rượu, bia lái xe” - Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ trước việc ngày hôm qua, phương án cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe trong dự Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu chỉ được dưới 50% tổng số đại biểu đồng ý.
Chưa đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy giơ biển tranh luận và nói rằng, “không đưa quy định trên vào dự luật Phòng chống tác hại bia, rượu không có nghĩa bỏ trống vì luật khác hiện hành đã có quy định.
“Phòng chống tội phạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng tôi là muốn biết trách nhiệm với tư cách là Tư lệnh ngành trước tình hình tội phạm nghiêm trọng hoành hành gây bất an cho xã hội, đến mức dừng đèn đỏ cũng bị xe tông” - nữ đại biểu một lần nữa đặt vấn đề.
Trước khi Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn vì luật hiện hành đã quy định.
Tuy nhiên, bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe vừa qua nên cơ quan soạn thảo của Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài như cấm tài xế uống rượu, bia khi lái xe.
Kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc bổ sung quy định cấm lái xe sử dụng bia, rượu hay giữ theo luật hiện hành (uống vượt mức quy định mới bị xử lý) khi bàn về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thì cả 2 phương án đều chưa nhận được quá bán số đại biểu đồng tình. Điều đó có nghĩa sẽ tiếp tục áp dụng quy định hiện hành, tức có quy định về mức nồng độ cồn.
“Nói thế để không hiểu lầm rằng luật không có quy định nào để xử lý vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định.
Làm rõ thêm thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, luật hiện hành có quy định về xử lý lái xe sử dụng rượu, bia nhưng trên thực tế thực hiện có khó khăn.
Nói về trách nhiệm của Bộ Công an trước tình hình tội phạm xảy ra, Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn nói rằng với chức năng, nhiệm vụ của mình thì có trách nhiệm của lực lượng công an cũng như người đứng đầu lực lượng. Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể trong đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm.
“Một mặt công an tích cực khám phá điều tra tội phạm, nhưng mục tiêu cao hơn nữa là ngăn ngừa, không để tội phạm xảy ra thì trong giải pháp có phối hợp với các bộ, ngành và sự đồng tình của nhân dân để ngăn chặn, giảm bớt tội phạm là rất quan trọng” - người đứng đầu ngành Công an nhấn mạnh./.