Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Bộ này đề xuất hai phương án: Áp dụng mức thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019.
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì trà, cà phê uống liền bị xếp vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB như thuốc lá điếu, xì gà, rượu bia, du thuyền, vàng mã; kinh doanh karaoke, massage, casino,...
Sợ dân béo phì
Lý giải về việc bổ sung những mặt hàng trên vào đối tượng chịu thuế TTĐB, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, nói: “Mục đích là để phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân”.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải thêm, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì, nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Phi thực tế
Đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội lẫn chuyên gia trong ngành cà phê, trà của Việt Nam khi Bộ Tài chính đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế TTĐB như thuốc lá, rượu bia.
“Một gói cà phê hòa tan tính ra khoảng 2.500 đồng/gói, nếu áp thuế TTĐB 10% - 20% nữa thì tôi phải bỏ ra thêm 250 - 500 đồng/gói” - anh Đình Quân, nhà ở quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), nhẩm tính.
Nếu tính một ly cà phê quán bình dân giá khoảng 20.000 đồng, chủ quán sẽ tăng 2.000 - 4.000 đồng/ly lên 22.000 - 24.000 đồng/ly. Lý do là khi nhà sản xuất phải đóng thuế TTĐB 10%-20% thì họ sẽ tăng giá bán cho nhà bán lẻ, các quán cà phê. Như vậy chi phí tăng, ly cà phê bán ra cũng phải tăng nên khách hàng chịu thiệt.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), nói: Sản phẩm trà, chế biến từ trà được coi là nước uống tốt cho sức khỏe mà đưa vào nhóm hàng chịu thuế TTĐB là quá phi lý, không thể nào hiểu nổi.
Người uống cà phê chịu 2 trong thuế
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng nêu quan điểm rằng thuế TTĐB là loại thuế nhà sản xuất phải chịu. Tuy nhiên, loại thuế này được nhà sản xuất tính vào giá bán cho các nhà phân phối, bán lẻ. Khi đó nhà phân phối, bán lẻ sẽ tăng giá bán sản phẩm ra thị trường. Như vậy, nếu cà phê, trà chịu thuế TTĐB nữa thì khi đến tay người tiêu dùng phải chịu hai tròng thuế.
Luật sư Xoa ví dụ nếu một ký trà có giá 100.000 đồng, hiện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, giá người tiêu dùng phải trả là 110.000 đồng. Nhưng với đề xuất tăng thuế VAT lên 12%, cộng thêm thuế TTĐB 10%-20% sẽ được DN tính vào giá bán. Cuối cùng người tiêu dùng phải trả tiền cho sản phẩm trà đó với giá lên tới 123.000-134.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) phân tích: Sản phẩm cà phê đóng gói sử dụng nguyên liệu cà phê được sản xuất trong nước, nó khác với ngành bia rượu, nước ngọt… chủ yếu dùng nguyên liệu là hóa chất và phải nhập khẩu. Vì vậy, cần bỏ cà phê ra khỏi nhóm hàng chịu thuế TTĐB.
Tổng hợp theo VNN