(Baonghean) - Trước nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, ngành y tế đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh.
Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu có khoảng 500 - 700 lượt người đến khám, điều trị. Nếu như trước đây, việc “ùn ứ” bệnh nhân đăng ký luôn kéo dài từ sáng đến trưa thì bây giờ tình trạng chờ đợi khám trong mệt mỏi đã không còn. Sự thay đổi tích cực này bắt đầu vào cuối năm 2013, khi bệnh viên triển khai cho các bệnh nhân có thẻ BHYT làm thẻ khám bệnh thông minh. Trên thẻ có đầy đủ thông tin của người bệnh như tên tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế và ảnh cá nhân. Vì vậy, khi đến khám, người dân Quỳnh Lưu chỉ cần mang theo thẻ và giấy giới thiệu của tuyến dưới nếu có. Nhân viên bệnh viện soi thẻ qua máy chiếu, mọi thông tin về người bệnh sẽ được cập nhật vào máy tính.
Thẻ khám bệnh thông minh mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Ông Hồ Viết Đa (64 tuổi), ở xã Quỳnh Đôi - một bệnh nhân đến khám cho hay: “Từ khi có thẻ này tôi thấy rất thuận tiện, không phải mang đủ loại giấy tờ như ngày xưa. Khi đi khám chỉ cần nhớ đến cái thẻ là đủ. Trước đây phải đợi chờ rất mệt mỏi, nhưng bây giờ thì trình thẻ là xong, rất nhanh”… Thẻ cũng đem lại những lợi ích không nhỏ cho bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Thẻ được mã hóa đồng bộ với hệ thống máy tính lưu giữ tất cả thông tin bệnh lý của bệnh nhân. Việc sử dụng thẻ đã giúp bệnh nhân không phải chờ đợi, tăng thời gian tiếp xúc chẩn đoán của bác sỹ đối với bệnh nhân. Như vậy, bác sỹ sẽ tránh được những sai sót trong chẩn đoán, còn bệnh viện thì tránh được sai sót trong việc làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu đã làm được hơn 26.000 thẻ khám bệnh thông minh cho bệnh nhân… Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh; cùng với việc triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị như phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, mổ nội soi ngoài cổ tử cung, chụp city sọ não đã tạo ra một bước tiến mới đưa chất lượng khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa Khoa Quỳnh Lưu nâng lên rõ nét. Bệnh viện đã trở thành đơn vị đầu tiên của ngành Y tế Nghệ An được công nhận đạt chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO.
Bệnh viện Nội tiết tỉnh Nghệ An phải chịu áp lực lớn khi là bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh nội tiết cho người bệnh từ khắp các vùng, miền. Sự quá tải nghiêm trọng, cộng thêm với mong muốn phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân đã thúc đẩy bệnh viện triển khai làm thẻ khám bệnh thông minh. Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết: Bệnh nhân nội tiết cần phải điều trị lâu dài và thường xuyên nên nếu sử dụng thẻ khám bệnh thông minh sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Thẻ giúp cho bệnh viện quản lý tốt hơn các bệnh nhân mắc bệnh nội tiết trong tỉnh, tạo tiền đề bước đầu để bệnh viện làm bệnh án điện tử.
Những tín hiệu vui từ việc áp dụng công nghệ thông tin ở các bệnh viện đã khẳng định xu thế này là tất yếu, cần được triển khai khẩn trương và nhân rộng đến tất cả các cơ sở y tế. Có thể dễ dàng nhận thấy: Trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh thì mọi khâu tiếp nhận, đăng ký khám đến trả kết quả rồi bác sỹ trực tiếp khám kê đơn thuốc đều triển khai thủ công. Quá trình này diễn ra mất nhiều thời gian, công sức và có nhiều sai sót. Khi ứng dụng công nghệ thông tin thì nhiều thủ tục hành chính trong quá trình khám, chữa bệnh được tinh giảm. Người dân đến khám bệnh chỉ cần bấm lấy số thứ tự và chờ gọi đến tên mình. Sự tiện ích khiến người dân đi khám bệnh đều thấy hài lòng và yên tâm hơn. Bà Nguyễn Thị Hoa, phường Trường Thi đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh cho biết: “Tôi thấy rất hài lòng. Mọi thủ tục không còn rườm rà. Bây giờ kết quả xét nghiệm không phải đợi ở từng khoa phòng như trước mà chỉ cần về phòng chờ khám ban đầu”.
Lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với ngành Y tế là rất lớn. Một khi toàn ngành Y tế đồng bộ hóa về ứng dụng công nghệ thông tin thì đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ dễ dàng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức và giảm khoảng cách kiến thức giữa các vùng địa lý. Nhân viên y tế dù ở vùng sâu, vùng xa cũng dễ dàng tiếp cận kiến thức, kỹ thuật y tế mới nhất thông qua hệ thống internet; Giảm tối đa các sai lầm y khoa bởi thông tin thuốc, xét nghiệm được cung cấp cho bác sỹ ngay khi bác sỹ cần, các hệ thống hỗ trợ chẩn đoán, hỗ trợ điều trị được lập trình sẵn giúp tránh sai sót, các đơn thuốc được in ấn rõ ràng, tránh nhầm lẫn khi dùng thuốc. Bên cạnh đó các bác sỹ có thể trao đổi thông tin chuyên môn, làm việc trên hệ thống mạng nội bộ nên dễ phát hiện sai sót và đối chiếu được kết quả điều trị” - bác sỹ Hồ Văn Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ cho hay.
Cũng theo bác sỹ Thăng kể từ khi Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ áp dụng bệnh án điện tử thì mọi thông tin, tình hình sức khỏe của người bệnh, cũng như quá trình điều trị của bác sỹ đều được cập nhật vào máy tính. Sự kiểm tra, điều chỉnh, kết quả chiếu, chụp của bệnh nhân được lưu dưới dạng số hóa có thể gửi lên mạng internet hoặc truyền qua email để nhờ các đơn vị tuyến trên hội chẩn…
Việc áp dụng công nghệ thông tin, bệnh án điện tử đã giúp Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh nhiều lợi ích thiết thực, bác sỹ Nguyễn Viết Bình, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính khẳng định: Thủ tục thanh toán, cập nhật thông tin tình trạng bệnh nhân của các khoa, phòng được thực hiện qua máy đã giúp cho bệnh viện tiết kiệm nhiều thời gian, nhân lực. Bản thân các bệnh nhân đến khám cũng vậy, mọi thông tin về bệnh tật, lần khám điều trị trước đều được ghi lại nên hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế đã mang lại hiệu quả lớn trong việc thay đổi diện mạo, tạo bước tiến mới cả trong hoạt động khám, chữa bệnh đến việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong điều trị. Song, tại thời điểm này việc ứng dụng vẫn đang còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Mỗi bệnh viện, cở sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đang tự triển khai và sử dụng một phần mềm riêng. Điều này gây ra những hạn chế nhất định trong công tác quản lý bệnh nhân. Ngành Y tế Nghệ An xác định ứng dụng CNTT là yêu cầu cấp thiết. Song, ở thời điểm hiện tại những kết quả đạt được hãy còn rất khiêm tốn. Ngành đang tìm mọi cách để huy động nguồn lực cho việc đồng bộ hóa này. Việc đồng bộ hóa được thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngành đã giao cho các bệnh viện tự trang trải nguồn lực, phối hợp với Tập đoàn FPT để nâng cấp các phần mềm… Ngành Y tế quyết tâm thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước hiện đại hóa, tiến kịp với xu thế chung và trở thành trung tâm khám, chữa bệnh của khu vực Bắc Trung bộ.
Thanh Sơn - Từ Thành