(Baonghean) - Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nhiều làng nghề truyền thống ở Quỳnh Lưu đã đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trước đây, cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Lê Văn Hảo ở xã Quỳnh Hưng chủ yếu làm ra các sản phẩm bằng thủ công. Để đảm bảo đúng đơn đặt hàng, anh phải thuê 10 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong một lần tham quan cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ ở tỉnh Nam Định, anh Hào đã học hỏi kinh nghiệm về cách đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Với số tiền trch góp được trong nhiều năm, từ năm 2013 đến nay, anh liên tiếp mua 5 chiếc máy đục gỗ vi tính tổng trị giá gần 500 triệu đồng về sử dụng. Với thiết bị mới, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động đục tất cả các chi tiết của sản phẩm, vừa giúp giảm nhân lực, tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm vừa hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Anh Lê Văn Hào cho hay, hiện nay, khi nhu cầu sử dụng sản phẩm mộc mỹ nghệ của người dân đang có xu hướng tăng lên thì nhịp độ lao động cũng được đẩy mạnh. Với giàn máy đục gỗ bằng vi tính sẽ sản xuất nhanh hơn; tính ra một máy đục vi tình bằng 6 người công nhân làm; mẫu mã làm ra đạt độ chính xác cao, đẹp hơn sử dụng bằng thủ công.
Không riêng gì nghề mộc mỹ nghệ, hiện nay rất nhiều làng nghề ở Quỳnh Lưu đang từng bước thay đổi phương thức, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Theo thống kê, toàn huyện có 30 làng nghề được tỉnh công nhận với 7 loại ngành nghề chính là mộc mỹ nghệ, gạch không nung, mây tre đan, chế biến thủy hải sản, sửa chữa tàu thuyền, hoa cây cảnh, sản xuất miến. Trong đó, có 5 loại nghề đã được người dân tiếp cận kỹ thuật, máy móc để tăng năng suất lao động.
Ví như nghề mây tre đan ở xã Quỳnh Diễn; trước đây công nhân chủ yếu làm ra sản phẩm đèn lồng bằng thủ công, từ năm 2010, địa phương trích ngân sách mua 6 máy chẻ, vót nan với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để trang bị cho các làng nghề trên địa bàn xã hoạt động; Từ khi có máy, công việc diễn ra nhanh chóng, sản phẩm có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, được thị trường đón nhận.
Với nghề chế biến thủy hải sản, thay vì sử dụng đá lạnh ướp hải sản như trước đây hiện hầu hết người dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy cấp đông. Với loại máy này, hải sản được bảo quản nhiều tháng liền mà không bị hư hỏng.
Đặc biệt ở làng nghề đúc gạch không nung xã Quỳnh Văn, trước đây người dân sử dụng nguyên liệu bằng đất sét rồi nung nhiều ngày trong lò lửa gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, hàng trăm cơ sở sản xuất đều sử dụng máy móc. Với chiếc máy này sản phẩm làm ra đảm bảo chắc chắn, phục vụ xây dựng các công trình kiên cố.
Từ việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện đang khẳng định được hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân lao động các làng nghề trong năm 2017 đạt từ 30 – 40 triệu đồng/người/năm; riêng nghề mộc mỹ nghệ cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/người/năm.
Hiệu quả từ việc đổi mới phương thức sản xuất vào phát triển các làng nghề trên địa bàn huyện đã khá rõ, tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề gặp khó khăn do thiếu kinh phí để chuyển đổi.
Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, thời gian tới, cơ quan chuyên môn huyện sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền nghề; tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tạo điều kiện cho người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; bố trí khu đất để giới thiệu sản phẩm làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch…
Việt Hùng