(Baonghean.vn) - Hiện một số tàu cá đánh bắt xa bờ ở huyện Quỳnh Lưu đã lắp đặt các thiết bị điện, điện tử hiện đại như máy dò ngang, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực... nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Đầu năm 2017, anh Đậu Ngọc Minh - chủ tàu NA 98968 TS ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng để mua máy dò ngang Wesmar HD860 công nghệ Mỹ. Máy này có công nghệ ổn định đầu dò, giúp việc dò cá không bị ảnh hưởng khi thời tiết xấu hay biển động. Máy dò ngang không chỉ giúp anh xác định loại cá, mật độ đàn cá mà còn ước lượng được độ lớn của cá trong đàn, từ đó đỡ tốn nhiên liệu, thời gian và công sức.
Theo anh Minh cho biết, máy dò ngang Wesmar HD860 là một thiết bị định vị mục tiêu dưới nước bằng thuỷ âm, có thể phát hiện cá không chỉ ngay dưới đáy tàu mà còn ở tất cả các hướng, các góc xung quanh tàu với bán kính 3.000m. Máy này khác máy trước là nó quét nét hơn, phân biệt được đâu là đất đâu là cá.
Quỳnh Long hiện có 170 phương tiện tàu thuyền, trong đó hơn 70% tàu thuyền có công suất đạt 90CV trở lên. 10 năm trở lại đây, khi bà con mạnh dạn đóng tàu to, máy lớn, trang bị máy móc và thiết bị hiện đại hơn như máy dò ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, tời kéo lưới… nên hiệu quả khai thác tăng lên gấp 3 - 4 lần trước. Như hộ anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Bắc, hộ anh Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải, mỗi hộ có 3 tàu đi khai thác hải sản; bình quân mỗi tháng thu nhập 300 triệu đồng/hộ...
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 42 tàu được triển khai đóng theo Nghị định 67 của Chính Phủ; trong đó có 4 chiếc tàu vỏ sắt, giá trị từ 17 - 19 tỷ đồng/chiếc. Ngư dân Nguyễn Kim Đương ở Giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy cho biết: "Trước đây, tàu gỗ 480CV phải sử dụng 12 - 15 lao động, nay mặc dù tàu to máy lớn hơn nhưng chỉ sử dụng 10 lao động. Mỗi chuyến biển, chúng tôi có thu nhập từ 6 triệu đồng/người trở lên, cuộc sống ổn định hơn trước".
Không chỉ chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong hoạt động khai thác, việc bảo quản cá cũng được bà con ứng dụng công nghệ cấp đông bằng hầm bảo quản lạnh sử dụng vật liệu PU; tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90%. Do vậy, các sản phẩm do ngư dân khai thác được các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh, các làng nghề thu mua để chế biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước; đồng thời xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước trong khu vực và thị trường EU.
Việc hiện đại hóa trong khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản đã góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản của huyện. Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 55 ngàn tấn, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng. Ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ cao đối với lĩnh vực khai thác thủy hải sản nên hiệu quả đánh bắt tương đối được mùa, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế như cá thu, cá hố... đáp ứng chất lượng, yêu cầu xuất khẩu".
Việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong khai thác hải sản là hướng đi đúng của huyện Quỳnh Lưu. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị khai thác, hạn chế rủi ro trên biển, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nghành nghề thủy sản.
Thanh Toàn