Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa thực hiện thành công và đưa vào thực hiện đề tài: Ứng dụng công nghệ GIS quản lý, bảo vệ di tích. Với đề tài này, việc khoanh vùng bảo vệ di tích thuộc hệ thống di tích Cố dô Huế do trung tâm quản lý sẽ được quản lý, bảo vệ, kiểm soát kịp thời khi có sự cố.  

Cố đô Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: Vietnamplus
Cố đô Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: Vietnamplus

Để có cơ sở dữ liệu cho công nghệ GIS, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức nhóm nghiên cứu thu thập và xây dựng các lớp bản đồ; thu thập thông tin liên quan đến các khu vực khoanh vùng bảo vệ các di tích, như: địa điểm, số lô thửa, diện tích lô thửa, hiện trạng nhà ở, thời gian cư trú của các hộ dân, số hộ, số nhân khẩu, sự tăng giảm dân số, xây dựng nhà ở trái phép và các yếu tố làm ô nhiễm môi trường di tích; xây dựng hệ thống tra cứu thông tin trên GIS; xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ cơ quan quản lý… Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học -Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trước đây, muốn biết các vấn đề liên quan đến hộ dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, cơ quan quản lý phải đi thực tế điều tra, mất thời gian rất nhiều. Trên cơ sở dữ liệu của công nghệ GIS, các nhà quản lý có thể nắm bắt tình hình các hộ dân sống trong khu vực một cách hiệu quả và kịp thời nhất. Từ đó, các nhà quản lý có thể đưa ra các giải pháp điều tiết kịp thời, không để ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, đồng thời động viên người dân có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh, không gây hại đến công trình kiến trúc. Ở Thừa Thiên - Huế, do đặc điểm lịch sử để lại, có một số lượng rất lớn cư dân sống trong vùng di tích tác động mạnh mẽ đến môi trường của các khu di tích Huế, có nguy cơ lớn ảnh hưởng quy hoạch tổng thể nguyên thuỷ của các di tích, làm thu hẹp không gian của di tích. Nhiều hộ sống trong khu vực bảo vệ di tích ngày càng gia tăng hộ dân do tình trạng tách hộ, dựng vợ gả chồng, cơi nới nhà cửa, ô nhiễm môi trường và vi phạm Luật Di sản…

Chỉ tính riêng hệ thống tường thành kinh thành Huế trên tổng chiều dài hơn 10km, thống kê hiện có tới 2.800 hộ với hơn 10.000 người đang sinh sống, tập trung nhiều ở khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. Những hộ dân này thuộc các phường nội thành như Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Thuận và Phú Hòa, đều là những hộ nghèo, làm nghề chạy xích lô, xe thồ, buôn bán nhỏ lẻ... Sau ứng dụng công nghệ GIS, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có thể kiểm soát được mức độ tăng, giảm các hộ dân, mật độ xây dựng và kiểm soát được việc xây dựng trái phép, nếu có. Những tác động từ việc các hộ dân sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích có ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình, môi trường, cảnh quan… cũng được nắm bắt kịp thời. Đây sẽ là thuận lợi để cơ quan quản lý có kế hoạch giãn dân phù hợp hoặc giải tỏa các hộ dân theo thứ tự ưu tiên một cách khách quan./. 

Theo TTXVN

TIN LIÊN QUAN