Trao đổi với báo giới, sau khi có kết quả hiệp thương lần 3 ở khối Trung ương, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII và 4 lần tham gia công tác tổ chức bầu cử) đã phân tích về cách thức phân chia đại biểu khối Trung ương về các địa phương cũng như các hình thức vận động bầu cử để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong bầu cử. Ông Nguyễn Văn Pha cho biết:
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp vừa được Quốc hội thông qua quy định hai và chỉ hai hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và vận động thông qua trình bày chương trình hành động trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, việc vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi ứng cử do Ủy ban MTTQ cùng cấp với lãnh đạo chính quyền địa phương tổ chức.
* Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND cũng có một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như số cử tri tham dự không thể nhiều nên tính đại diện không cao?
* Ông NGUYỄN VĂN PHA: Đúng là các địa phương đều cố gắng tăng số lượng cử tri tới dự, nhưng việc này rất khó khăn, đôi khi đơn giản là do thiếu địa điểm phù hợp, thiếu chỗ ngồi... nên mỗi hội nghị chỉ có khoảng vài trăm người và ở mỗi đơn vị bầu cử thì người ứng cử cũng chỉ dự được từ 5 tới 7 cuộc, nghĩa là tính tổng số sẽ có khoảng hơn 1.000 người tới nghe chương trình hành động của người ứng cử. Mặc dù trong số cử tri này có đầy đủ các cử tri là đại diện chính quyền, các hội đoàn thể ở nơi cư trú, có ảnh hưởng lớn tới cử tri của cơ sở nhưng con số này so với số lượng cử tri ở nơi đó cũng không lớn.
Do đó, người ứng cử phải tận dụng kênh rất quan trọng thứ hai là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về chương trình hành động của mình. Người ứng cử có thể trình bày chương trình hành động tại các cơ quan thông tin đại chúng, trên báo chí của địa phương và website của Hội đồng Bầu cử quốc gia để nhiều cử tri biết đến mình hơn. Về vấn đề này, tại phiên họp mới đây Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đã một lần nữa nhắc nhở các cơ quan tổ chức bầu cử ở các địa phương cố gắng đảm bảo cho người ứng cử là lãnh đạo trung ương hay người ứng cử ở cơ sở đều được bình đẳng trong quá trình trình bày chương trình hành động và bình đẳng trong thời lượng vận động trên báo, đài truyền thanh, truyền hình...
* Từng nhiều lần tham gia tổ chức bầu cử, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm vận động bầu cử thế nào để đạt hiệu quả nhất?
Với người ứng cử là cán bộ ở trung ương và địa phương thì không có gì khó khăn trong vận động bầu cử vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với người ứng cử lần đầu hoặc người ứng cử là cán bộ cấp cơ sở thì cũng có những khó khăn nhất định. Theo tôi, người ứng cử cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, dành thời gian thích đáng tìm hiểu kỹ địa phương nơi mình ứng cử. Và đặc biệt là không được hứa hão vì mọi quyết định của Quốc hội là quyết định của tập thể. Thế nên không thể nói nếu tôi vào Quốc hội thì sẽ làm luật này, ban hành cái kia... Chỉ có thể hứa là thường xuyên lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của dân tới các cơ quan có thẩm quyền; dành thời gian tiếp công dân một năm ít nhất 2 lần... Những vấn đề gì mà mình đã chuyển tới cơ quan thẩm quyền thì phải đeo bám tới cùng để trả lời cho người dân. Hứa và làm được như thế thì mới được cử tri tin tưởng.
* Còn việc sử dụng mạng xã hội để vận động bầu cử?
Luật không cấm tuyên truyền trên mạng xã hội. Nhưng ĐBQH mà đi về vùng sâu vùng xa ứng cử thì cử tri cũng khó biết được qua mạng xã hội.
* Những hành vi vi phạm quy định về vận động bầu cử được xử lý thế nào?
Vi phạm những điều cấm thì hình thức xử lý cao nhất là xóa tên khỏi danh sách và ngoài ra có các hình thức xử phạt hành chính khác. Ở các cấp chúng ta đều có các ủy ban bầu cử để tiếp nhận thông tin và xử lý các tình huống xảy ra.
* Được biết có nhiều đoàn công tác đã được cử đi giám sát tình hình. Qua quá trình giám sát, các đoàn công tác đã phát hiện những bất cập gì?
Không chỉ Mặt trận mà các cơ quan có thẩm quyền khác cũng phối hợp giám sát. Qua thực tiễn giám sát, cơ bản tôi thấy không có nhiều vướng mắc. Ban đầu có khâu tiếp nhận hồ sơ ứng cử. Lần này quy định thông thoáng trong luật là hồ sơ ứng cử có thể tải trên website, điền thông tin đầy đủ, nộp cơ quan chức năng. Ban đầu có một số điền không đúng thông tin và phải trả về làm lại nhiều lần, nhưng bây giờ thì các địa phương đều đã xử lý được. Nhiều địa phương kêu về vấn đề kinh phí rót chậm, họ phải tự tạm ứng.
* Việc phân bổ đại biểu trung ương về địa phương thì sao, thưa ông?
Thực hiện theo đúng tiêu chí do Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định và tới nay chưa có trường hợp một đồng chí lãnh đạo cấp cao nào “xin” ứng cử chỗ này hay chỗ khác cho dễ trúng cử. Sau hiệp thương lần 3, những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đều được Mặt trận các cấp đưa vào danh sách và tôi cho rằng quá trình chuẩn bị bầu cử đang thực hiện theo đúng hướng, đúng pháp luật.
* Làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng “bầu mù”, bầu thay - nghĩa là nhắm mắt lựa chọn hoặc đi bầu cử hộ?
Chỉ có giải pháp là vận động thôi vì không có chế tài nào xử phạt người bầu hộ hay “bầu mù” cả.
* Xin cảm ơn ông
Theo Sài gòn giải phóng