anh_1_15686109_1152019.jpgCác thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ. Ảnh: TASS
Sự cố ngoại giao trên đã làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng này, vốn bị vướng vào xung đột trong suốt 5 năm qua. 


Phát biểu trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển tại thành phố Hamburg (Đức), Thứ trưởng Ngoại giao Zerkal kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho 24 thủy thủ bị bắt giữ ở Moskva. Bà Zerkal đánh giá hành động bắt giữ thủy thủ Ukraine "rõ ràng là ví dụ cho thấy Nga vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế".

Quan chức ngoại giao Ukraine này nêu rõ: "Kể từ thời điểm bắt giữ, Ukraine đã hành động khẩn trương để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã trao cho Nga rất nhiều cơ hội nhằm giải quyết vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao". 

Nga đã không cử đại diện tới phiên điều trần ở Hamburg bởi nước này không công nhận quyền xét xử của tòa án. Thứ trưởng Ngoại giao Zerkal coi sự vắng mặt này là "hành động đáng tiếc". 

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố các thủy thủ là "tù nhân chiến tranh" và đánh giá việc bắt giữ là "bằng chứng rõ nét cho thấy Nga tiếp tục thiếu tôn trọng quyền con người".

Trong một tuyên bố hồi tháng trước, ông Poroshenko nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới Tòa án sẽ buộc Nga trả tự do cho các thủy thủ cũng như các tàu của Ukraine, và hành động của họ sẽ bị xem là bất hợp pháp. Nga vẫn có cơ hội trả tự do cho các thủy thủ và tàu của chúng tôi mà không cần đợi sự công nhận chính thức rằng Điện Kremlin thực hiện tội ác quốc tế".

Theo các luật sư, thủy thủ Ukraine đối mặt với mức án 6 năm tù giam do đi vào khu vực biên giới Nga bất hợp pháp. Việc bắt giữ các tàu Ukraine là vụ đụng độ trực tiếp nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua giữa hai nước láng giềng hậu Xô Viết này.