Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Mikhail Podolyak. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Theo Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, cuộc phản công của Ukraine là một chuỗi các kế hoạch hành động có thể thành công hoặc không thành công.

Hơn nữa, việc Nga sử dụng bom lượn với lợi thế nằm ngoài tầm hoạt động của radar có thể buộc Ukraine phải tính toán lại kế hoạch phản công. Trên thực tế, Ukraine chỉ có số lượng nhỏ hệ thống vũ khí tầm trung và tầm xa để đối phó với các cuộc không kích.

Hiện nay, Ukraine sẽ phải lên kế hoạch chiến đấu để tránh sự tấn công của bom lượn Nga. Theo nhà phân tích quân sự Justin Crump tại Công ty tình báo Sibylline, Ukraine sẽ cần số lượng đáng kể hệ thống phòng không trên tiền tuyến khi gặp phải các vị trí án ngữ, chẳng hạn như sông, hồ hoặc các hào chiến kiên cố của Nga - những nơi họ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công trên không.

Nếu Nga giành được ưu thế trên không, điều đó tức là các điểm tập kết quân đội Ukraine cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần đều dễ bị tấn công. Do đó, Ukraine sẽ phải tăng cường khả năng tác chiến cơ động cao để đối phó với rủi ro trên không từ các các lực lượng Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lại đưa ra tuyên bố rằng, Ukraine đã nhận được từ phương Tây tất cả vũ khí cần thiết để thành công trong chiến dịch phản công; đồng thời khẳng định Kiev đã sẵn sàng cho điều đó. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, không chỉ vũ khí, các kế hoạch đào tạo và kế hoạch phản công đã hoàn tất.

Ông Blinken lưu ý rằng, không có lý do gì để cắt viện trợ cho Ukraine, bởi sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev, và giải pháp cho các vấn đề trong lòng nước Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Do đó, ông Blinken tin rằng, tình hình ở Mỹ không giống như thể nước này đang phải đối mặt với sự lựa chọn "có hoặc không". Thay vào đó, cách Mỹ giải quyết các vấn đề ở các khu vực khác nhau trên thế giới và vấn đề nội bộ trong nước có mối liên hệ trực tiếp, củng cố lẫn nhau.