Nga cáo buộc Mỹ can dự "thô thiển" công việc nội bộ

peskov.jpgNgười phát ngôn Dmitry Peskov trong một cuộc họp tại thủ đô Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 3/9, Điện Kremlin cáo buộc Mỹ hành động một cách "thô thiển" khi tìm cách chiêu mộ các công dân Nga làm điệp viên cho Mỹ, chứng tỏ Washington đang can dự vào công việc nội bộ của Moskva.

Phát biểu trên được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra khi được hỏi về một bài báo do tờ New York Times đăng tải, trong đó nói rằng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đã tìm cách tuyển dụng trùm tài phiệt Oleg Deripaska làm người cung cấp thông tin trong thời gian từ năm 2014-2016, nhưng bất thành. 

Người phát ngôn Peskov nêu rõ, thực tế là nhiều năm gần đây, Mỹ đang nỗ lực sử dụng các cơ quan tình báo để tìm cách tuyển dụng công dân Nga, gây sức ép tinh thần và các sức ép khác đối với họ.

Ukraine tập trận chung với NATO trong khi vẫn căng thẳng với Nga

Binh sỹ Mỹ và Ukraine. Nguồn: ukrinform.net

Theo AFP, ngày 3/9, Ukraine đã bắt đầu cuộc tập trận chung với Mỹ và một loạt nước thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh căng thẳng với Nga vẫn leo thang do cuộc nổi dậy được Điện Kremlin ủng hộ tại miền Đông quốc gia Đông Âu này.

Cuộc tập trận thường niên Rapid Trident diễn ra tại làng Starychi, miền Tây Ukraine cho đến ngày 15/9, có sự tham gia của khoảng 2.200 binh sỹ của 14 nước. Cuộc tập trận được khai mạc một tuần trước khi Nga tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh ở miền Đông nước này, cùng với sự tham gia của Trung Quốc và Mông Cổ.

Hàn Quốc thúc giục nối lại đàm phán Mỹ-Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên có cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Ảnh: AP

Ngày 3/9, Chánh Văn phòng Nội các của Tổng thống Hàn Quốc- ông Im Jong-seok  đã kêu gọi nỗ lực khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. 

Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Facebook cá nhân, ông Im Jong-seok bày tỏ hy vọng, đặc phái viên Tổng thống sẽ sớm quay lại Hàn Quốc sau khi đã chốt lịch trình cụ thể cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa ông Moon và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong tháng 9 này. Chánh Văn phòng Nội các Im Jong-seok cũng kỳ vọng, đặc phái viên của Tổng thống sẽ hoàn thành nhiệm vụ với vai trò kết nối, thúc đẩy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Myanmar kết án hai phóng viên 7 năm tù vì xâm phạm bí mật nhà nước

Phóng viên của hãng tin Reuters Wa Lone giơ ngón tay cái khi rời phiên tòa ở Insein,Yangon, Myanmar, ngày 3/9. Ảnh:Reuters.

Trong phiên tòa ngày 3/9, hai phóng viên của hãng thông tấn Anh Reuters là Wa Lone, 32 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết tội vi phạm Luật về Bí mật Chính thức của Myanmar, đạo luật hà khắc có từ thời thuộc địa Anh với mức án cao nhất lên tới 14 năm tù, AFP đưa tin. "Hai bị cáo đã cố ý gây tổn hại đến lợi ích nhà nước", thẩm phán Ye Lwin tuyên bố. "Mỗi người lĩnh án 7 năm tù". 

Hai phóng viên phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết họ đã bị cài bẫy khi đang phanh phui vụ sát hại 10 người Hồi giáo Rohingya ở ngôi làng Inn Din, thuộc bang ven biển phía tây Rakhine, hồi tháng 9 năm ngoái. Theo họ, những người này bị giết mà không thông qua xét xử. Wa và Kyaw, đều mang quốc tịch Myanmar, khai rằng họ bị bắt sau khi đến một bữa tối do cảnh sát ở Yangon chủ trì. Tại bữa tối đó, cảnh sát đã trao cho họ tài liệu liên quan đến vụ sát hại. Sau khi rời nhà hàng, hai phóng viên bị bắt vì lưu trữ tài liệu mật.

Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất trưng cầu mở rộng quyền cho xứ Catalonia

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 3/9 đề xuất tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân tại vùng Catalonia về khả năng mở rộng quyền tự trị cho vùng này, song nhấn mạnh không cho phép một cuộc bỏ phiếu về độc lập như yêu cầu của các lãnh đạo chính quyền vùng. "Đây là một cuộc trưng cầu ý dân về tự trị, không phải là tự quyết. , Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh. Tuy nhiên, Thủ tướng Sanchez chưa đề cập tới thời điểm tiến hành cuộc bỏ phiếu này.

Vùng Catalonia nằm ở Tây Bắc Tây Ban Nha, với khoảng 7,5 triệu dân, hiện sử dụng một ngôn ngữ bản địa riêng và đóng góp 1/5 GDP của nền kinh tế Tây Ban Nha. Vùng này đã được trao quyền tự trị theo hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha. 

Trung Quốc sẽ xóa nợ cho một số nước châu Phi kém phát triển nhất

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 ở Bắc Kinh ngày 3/9. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ xóa nợ cho một số nước kém phát triển nhất ở châu Phi và sẵn sàng phối hợp với các đối tác quốc tế để hỗ trợ châu Phi theo đuổi hòa bình và phát triển. 

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ xóa nợ cho một số nước châu Phi theo hình thức các khoản nợ chính phủ Trung Quốc không trả lãi trước cuối năm 2018. Việc xóa nợ này sẽ được dành cho các nước kém phát triển nhất của châu Phi, các nước mắc nợ chồng chất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ mà có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng khoản tài trợ tổng cộng 60 tỷ USD  cho châu Phi.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện các sáng kiến lớn với các nước châu Phi, bao gồm các lĩnh vực như thúc đẩy công nghiệp, kết nối cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thương mại và phát triển xanh.

Israel cảnh báo khả năng tấn công khí tài của Iran ở Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman phát biểu tại Jerusalem ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cảnh báo nước này có thể tấn công các khí tài nghi của Iran tại Iraq, giống như đã thực hiện với hàng loạt cuộc không kích vào Syria.

Phát biểu họp báo tại Jerusalem, ông Lieberman nhấn mạnh Israel đang theo dõi chặt chẽ các diễn tiến ở Syria và sẽ không chỉ giới hạn hành động ở lãnh thổ Syria liên quan tới các mối đe dọa Iran. Được hỏi, liệu các mục tiêu hành động có bao gồm Iraq hay không, ông Lieberman nêu rõ Israel sẽ chống lại "bất cứ mối đe dọa nào từ Iran, bất kể mối đe dọa đó đến từ đâu".

Tổng thống Philippines xin lỗi vì thóa mạ Obama

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, Lào ngày 6/9/2016. Ảnh:Reuters.

Ông Duterte hối tiếc vì hai năm trước đã dọa gọi ông Obama là "con trai của gái điếm" khi Mỹ chỉ trích cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. "Đây là thời điểm thích hợp để nói với ông Obama rằng giờ ông là một người dân bình thường và tôi xin lỗi vì đã thốt ra những lời lẽ đó", AFP dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước người Philippines sống ở Israel hôm 2/9.

Ông Duterte đang có chuyến thăm Israel kéo dài 4 ngày nhằm tìm kiếm nguồn cung mới về phần cứng quân sự và đàm phán những điều khoản bảo vệ lao động Philippines làm việc ở nước ngoài.

Sau khi nhậm chức tổng thống vào giữa năm 2016, ông Duterte nhiều lần lăng mạ các lãnh đạo, chính khách và nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới.