Ukraine muốn giải quyết xung đột miền Đông với sự hỗ trợ của Pháp, Đức
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có chuyến công du 2 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp trong tuần tới. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 13/6, trong chuyến thăm đầu tiên tới Pháp trên cương vị người đứng đầu Ukraine, ông Zelensky sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron vào chiều 17/6.
Thông báo nhấn mạnh các cuộc thảo luận sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tạo cơ hội giải quyết vấn đề hỗ trợ của Pháp đối với chương trình cải cách mà tân Tổng thống Ukraine mong muốn. Ngoài ra, hai bên dự kiến cũng sẽ trao đổi về "những cơ hội giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine" với sự hỗ trợ của Pháp và Đức.
Chuyến thăm Mỹ không như kỳ vọng của Tổng thống Ba Lan
Phát biểu tại cuộc họp báo trong cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cam kết sẽ điều thêm 1.000 binh sĩ tới Ba Lan, ít hơn một nửa con số mà ông và người đồng cấp Ba Lan đã thảo luận tại cuộc gặp. Con số này cũng thấp hơn con số được giới chức Ba Lan và Mỹ nhất trí tại cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra một ngày trước đó. Số 1.000 binh sĩ kể trên sẽ được điều động từ Đức sang Ba Lan trong thời gian tới, cùng với các máy bay không người lái và các thiết bị phần cứng quân sự khác.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại không đưa ra bất cứ cam kết nào về việc thiết lập một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan dù Tổng thống Ba Lan để ngỏ khả năng, Ba Lan sẵn sàng chi khoản tiền 2 tỷ USD để xây dựng căn cứ này cũng như đặt tên căn cứ là “Pháo đài Trump” theo tên của ông Trump.
Iran cứu hộ 44 thủy thủ gặp "sự cố" trên Vịnh Oman
Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết Hải quân nước này đã cứu hộ 44 thủy thủ từ hai tàu chở dầu bốc cháy sau một "sự cố" trên biển Oman sáng 13/6 giờ địa phương. Theo IRNA, các thủy thủ trên đã được đơn vị Hải quân Iran thuộc tỉnh Hormozgan cứu và chuyển lên cảng Bandar-e-Jask. IRNA của Iran ngày 13/6 cũng cho biết một trong hai tàu chở dầu Front Altair đã bị chìm. Tuy nhiên, người phát ngôn công ty Frontline của Na Uy, chủ sở hữu tàu Front Altair, đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời khẳng định tàu Front Altair vẫn đang trôi dạt trên Vịnh Oman và các thủy thủ đã rời tàu an toàn.
Trước đó, hai tàu chở dầu Front Altair treo cờ Quần đảo Marshal và tàu Kokuka Courageous treo cờ Panama đã gặp sự cố và phải sơ tán thủy thủ. Đã xảy ra cháy trên cả hai tàu. Theo một số nguồn tin, đây có thể là vụ "tấn công từ bên ngoài".
Chính quyền Anh chấp thuận cho dẫn độ ông trùm WikiLeaks sang Mỹ
Ngày 13/6, Bộ trưởng Nội vụ Anh thông báo đã ký quyết định chấp thuận yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ. Động thái này mở đường cho việc xét xử ông Assange tại Mỹ với cáo buộc phát tán hàng nghìn tài liệu quân sự và ngoại giao mật của nước này.
Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Sajid Javid xác nhận trong ngày 12/6, đích thân ông đã ký quyết định chấp thuận yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ xét xử theo yêu cầu của Washingyon trước đó 1 ngày. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ ông Assange sang Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào tòa án Anh. Dự kiến, phiên tòa tiếp theo mà ông Assange phải đối mặt là ngày 14/6
Philippines dọa cắt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Manila đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân trên tàu cá Philippines ở Biển Đông. Trong tuyên bố, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết có khả năng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ xem xét cắt hoặc làm giảm cấp quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu vụ đâm chìm tàu cá Philippines tại Bãi Cỏ Rong mới đây được xác định là hành động có chủ ý của tàu Trung Quốc.
"Chúng tôi có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao, đó là điều đầu tiên được thực hiện khi phát hiện hành vi gây hấn. Trước hết, trao công hàm phản đối nếu không hài lòng với lời giải thích của họ và khi phát hiện ra đó là hành động có chủ ý, đó là một vấn đề hoàn toàn khác", ông Panelo nhấn mạnh.