Nhưng chuyến đi vốn dĩ là cơ hội vàng để Ukraine đánh bóng quan hệ với quốc gia hậu thuẫn lớn nhất cho họ lại bất ngờ biến thành màn ngoại giao “đi trên dây” bất đắc dĩ của Zelenskiy.
Rắc rối ngoài dự kiến
Theo hãng thông tấn Reuters của Anh, trước thềm cuộc gặp đầu tiên với ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, nhà lãnh đạo Ukraine Zelenskiy đã bị cuốn vào một cơn bão chính trị đang khuấy đảo Washington những ngày qua.
Tranh cãi nổi lên, xoay quanh những cáo buộc cho rằng, ông Trump đã có động thái gây sức ép đối với ông Zelenskiy, hòng buộc Tổng thống Ukraine phải mở cuộc điều tra đối với con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - đối thủ số 1 xuất thân phe Dân chủ của Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Từ góc độ Zelenskiy, nhà lãnh đạo “chân ướt, chân ráo” này rõ ràng không thể mạo hiểm mối quan hệ của mình với 1 trong 2 “phe” trên chính trường Washington, bởi thực tế là Ukraine phụ thuộc vào sự ủng hộ của lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa của xứ cờ hoa để có được viện trợ và ủng hộ về ngoại giao để ứng phó với Nga từ sau sự kiện Moskva sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Trong tháng 9 này, giới lập pháp Mỹ đã tỏ ý nghi ngờ tổng thống của họ tìm cách tạm giữ lại khoản viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 250 triệu USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua, để biến nó thành “công cụ” gây sức ép đối với ông Zelenskiy. Đầu tuần này, chủ nhân Phòng Bầu dục đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, song mọi chuyện không phải vì thế mà ngưng “dậy sóng”.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ giới truyền thông cho rằng Tổng thống Trump trong một cuộc điện đàm hồi tháng 7 đã đề nghị Tổng thống Ukraine phát động một cuộc điều tra có thể gây tổn hại đến chính khách Biden, chính quyền Zelenskiy đã bộc lộ rõ quan điểm muốn tránh xa “hỏa tuyến”. Giới chức nước này đã phủ nhận việc ông Trump gây sức ép với ông Zelenskiy, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về cuộc điện đàm cách đây 2 tháng mà giới truyền thông đang đặt ra vô vàn dấu hỏi, với lý do là những cuộc trao đổi như vậy cần phải được bảo mật.
Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine Oleksandr Danylyuk trả lời báo chí qua điện thoại hôm 23/9: “Tại sao chúng tôi lại phải phản ứng bằng cách nào đó chứ? Đúng là có một cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ. Chấm hết. Bất kỳ nỗ lực nào của đảng này hay đảng khác hòng lợi dụng Ukraine rõ ràng đều gây bất lợi cho các quan hệ của chúng tôi”.
Xuất thân là một diễn viên hài kịch, và cũng giống như Trump, là ngôi sao truyền hình không “dắt túi” chút kinh nghiệm chính trị nào khi nhậm chức chèo lái đất nước, Zelenskiy là cái tên được xướng lên trong chiến thắng bầu cử áp đảo hồi tháng 4 ở Ukraine. Tân lãnh đạo này đã hứa hẹn với cử tri rằng, ông sẽ là người đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giữa Ukraine với các lực lượng mà Nga hậu thuẫn ở khu vực Donbass, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 13.000 người.
Với mong muốn tiếp tục “đà” từ cuộc trao đổi tù nhân gần đây với Nga để có thể đi đến thống nhất tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin trong vài tuần tới về vấn đề Donbass, có thể nói Zelenskiy không “gặp may”, hay nói cách khác là vụ lùm xùm tại Washington diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi mà ông cần đến sự giúp sức của xứ cờ hoa hơn bao giờ hết.
Thực tế, trước khi ngồi vào “ghế nóng”, Zelenskiy đã được cảnh báo sớm về những gì đang đón đợi ông, khi luật sư riêng của Trump là Rudolph Giuliani hồi tháng 5 thông báo sẽ thăm Ukraine, nhưng sau đó đột ngột hủy kế hoạch thăm viếng này.
Theo Reuters, Giuliani là người đứng ra kêu gọi Ukraine điều tra các hoạt động của Phó Tổng thống Biden cùng con trai, người đã tham gia ban giám đốc của một công ty khí đốt Ukraine khi Biden còn đương nhiệm dưới thời Obama. Serhiy Leshchenko - cựu nhà lập pháp Ukraine, từng là cố vấn cho Zelenskiy khi ông còn tranh cử, đã nhắc lại thái độ miễn cưỡng của đương kim tổng thống khi phải gặp Giuliani thời điểm ấy: “Tôi nghĩ ông ấy hiểu rằng đó là nỗ lực nhằm đưa ông ấy vào cuộc chiến lưỡng đảng tại Mỹ. Ông ấy đơn giản là không muốn bị bất kỳ bên nào lợi dụng. Nói chung ông ấy là người thông minh, tôi nghĩ ông ấy rất khôn ngoan và hiểu rằng với mình tốt hơn là nên tránh xa mớ hỗn độn này. Vì nếu ông ấy ủng hộ bên này, thì bên kia sẽ nổi cơn thịnh nộ”.
Thời điểm đó, Giuliani đã hủy chuyến thăm và tuyên bố rằng, vây quanh Zelenskiy đều là kẻ thù của ông Trump. Ông này đã nêu đích danh Leshchenko, người hồi tháng 8/2016 tiết lộ chi tiết các khoản thanh toán từ một cựu Tổng thống Ukraine cho người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Trump là Paul Manafort trong cuộc bầu cử Mỹ. Giuliani đã khẳng định bằng chứng đó là giả mạo, còn Leshchenko lên tiếng bác bỏ. Lường trước mức độ nguy ngập của vấn đề, Leshchenko đã cho biết sẽ rút khỏi vai trò cố vấn, với mong muốn không làm tổn hại đến quan hệ của Zelenskiy với Washington.
Sau khi Giuliani hủy thăm Kiev, Andriy Yermak - một phụ tá của ông Zelenskiy sau đó đã tìm cách gặp Giuliani theo “sáng kiến riêng” của mình. Đầu tuần này, kênh tin lb.ua của Ukraine đã dẫn lời nhân vật trên, khẳng định ông đã nói với Giuliani rằng bất cứ cuộc điều tra nào cũng cần phải minh bạch. “Chúng tôi có thể bảo đảm rằng trong thời gian tại nhiệm của chúng tôi mọi cuộc điều tra sẽ được tiến hành một cách minh bạch. Đây là những nguyên tắc căn bản và cơ sở cho chương trình của Tổng thống Zelenskiy, thứ mà chúng tôi đã vận động tranh cử”.
Trước những rắc rối bủa vây thời gian qua, đến thời điểm, Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng cáo buộc phe Dân chủ phát động một “cuộc săn phù thủy” chống lại ông, nhưng ông vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cho thấy rằng những cáo buộc nhằm vào mình có động cơ chính trị. Truyền thông vẫn đăng tải dày đặc về cuộc điện đàm hồi tháng 7, và chắc chắn cuộc gặp bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc giữa Trump với Zelenskiy không tránh khỏi ánh đèn flash, thậm chí còn là đề tài được luận bàn trong thời gian tới.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy hôm 24/9 bày tỏ kỳ vọng có cuộc gặp “ý nghĩa, thực chất” với Tổng thống Mỹ Trump, và cho biết Kiev cần sự ủng hộ của Washington. Ông nói thêm rằng, bản thân hy vọng sớm có cuộc gặp giữa lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức về xung đột ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.