Sau khi tất cả các đường ống dẫn khí đốt quá cảnh của Nga được khởi động, việc khí đốt quá cảnh qua Ukraine sẽ được giảm xuống mức tối thiểu. Trong khi đó, nhiên liệu xanh đã đi qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, các nhánh mới của nó và sự khơi thông của Dòng chảy phương Bắc 2, sẽ là những gì diễn ra tiếp theo.
Các chuyên gia nhận định rằng, trong khi Tập đoàn dầu khí Naftogaz của Ukraine đang tham gia trò chơi chính trị, thì hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine đã gần như sụp đổ, và sẽ sớm không còn gì để duy trì mạng lưới.
Tại sao Ukraine lại rơi vào tình cảnh như vậy, và liệu Kiev có tìm ra được lối thoát?
Giảm xuống mức tối thiểu
Năm 2020, lượng khí đốt của Nga vận chuyển đến châu Âu, quá cảnh qua hệ thống của Ukraine, đã giảm hơn 1/3, xuống còn 55,8 tỷ mét khối khí. Đây là con số thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Trước đó, hàng năm, lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine đạt tỷ suất không dưới 90 tỷ mét khối khí. Sergei Makogon - Giám đốc điều hành mạng lưới vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) nhấn mạnh rằng, ngay cả trong cuộc khủng hoảng năm 2014, 62 tỷ USD đã được trả cho phí quá cảnh khí đốt, bất chấp "mọi nỗ lực của Gazprom (Nga) nhằm giảm cung cấp khí đốt cho EU". Sự sụp đổ trong thời gian vừa qua là một kỷ lục.
Đáng lẽ, Ukraine sẽ thu về 65 tỷ USD tiền phí quá cảnh, nhưng thực tế lại không đáp ứng được điều đó. Điều này được lý giải bởi một số nguyên nhân. Việc ký kết thỏa thuận với Gazprom muộn trong quý I, đặc biệt là trong tháng 1 và tháng 2, dòng khí xuất khẩu của Nga đã được phân phối mà không cần quá cảnh qua Ukraine.
Ukraine không trụ vững
Năm 2021, tình hình vẫn không mấy được cải thiện. Trong tháng 2, tỷ lệ bơm giảm 1/4 so với tháng 1. Sau khi hoàn thành việc xây dựng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở Serbia và Bulgaria, Ukraine sẽ mất thêm 10 đến 12 tỷ mét khối khí mỗi năm.
Gazprom đã gửi khí đốt đến Serbia, Bosnia và Herzegovina thông qua tuyến đường mới - Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tiếp tục thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt quốc gia của Bulgaria đến Serbia, Bosnia và Herzegovina.
Và đây mới chỉ là sự khởi đầu. Yuri Korolchuk, đồng sáng lập Viện Chiến lược năng lượng cảnh báo rằng, Kiev đã thua cuộc trong cuộc chiến giành thị trường quá cảnh. Sau khi tất cả các đường ống dẫn khí đốt của Nga được khởi động, việc bơm qua Ukraine sẽ rất ít.
Ông Korolchuk giải thích: "Các nước như Hungary và khu vực vùng Balkan (Albania, Bosna và Hercegovina, Kosovo, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ sớm lấy khí đốt từ các đường ống dẫn khí đốt ngược nối Trung-Đông Âu với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
Điều quan trọng nhất đối với Kiev lúc này là ngăn chặn việc vận hành Dòng chảy phương Bắc 2. Mặc dù, như ông Korolchuk nhấn mạnh, với vị trí của Ukraine, điều đó đơn giản là vô nghĩa.
"Những gì đã xảy ra với quá trình vận chuyển khí đốt hoàn toàn là lỗi của Naftogaz, bởi vì họ đã đi theo con đường chính trị, thay vì nỗ lực tác động trong việc xây dựng Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà khí đốt đã được bơm vào cách đây không lâu" - chuyên gai Korochuk phân tích.
Bơm hoặc thanh toán
Trong những năm tiếp theo, việc đánh mất vị trí vận chuyển quá cảnh khí đốt không đe dọa tới Ukraine với bất kỳ rắc rối cụ thể nào, bởi hợp đồng ký với Gazprom có hiệu lực tới năm 2024 theo nguyên tắc "bơm hoặc thanh toán".
Sergei Pikin - Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng của Nga cho biết, do đại dịch nên hơn 10 tỷ mét khối khí đã được bơm ít hơn so với dự kiến. Nhưng tính đến định mức "bơm hoặc trả tiền", Gazprom đã chi trả hơn 2,5 tỷ USD.
Hợp đồng tối thiểu 40 tỷ mét khối khí có hiệu lực trong 4 năm nữa. Tuy nhiên, xa hơn, khi một đường ống với tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm được đưa vào hoạt động, thì viễn cảnh rất bi quan với Ukraine.
"Nói chung, Gazprom chỉ có 3 khách hàng phải vận chuyển nhiên liệu xanh qua Ukraine: Moldova, Romania và Hungary. Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở Moldova tương đối nhỏ - khoảng 1 tỷ mét khối khí mỗi năm" - Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga cho hay.
Hệ thống dự phòng
Sau khi hết hạn hợp đồng với Gazprom, GTS của Ukraine sẽ trở thành hệ thống dự phòng với tải trọng tối đa 20 tỷ mét khối khí mỗi năm. Nhưng doanh thu từ phí quá cảnh cho phép Kiev duy trì GTS hoạt động cho đến nay.
Leonid Khazanov, một chuyên gia công nghiệp độc lập phân tích: "Tiếp theo đó, Ukraine cần phải duy trì nó và chuyển sang mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đắt hơn so với khí đốt vận chuyển bằng đường ống; hoặc đàm phán với Gazprom về chính sách của Ukraine".
Theo Yuri Korolchuk, đồng sáng lập Viện Chiến lược năng lượng, lựa chọn duy nhất để tăng cường vận chuyển là tiêu thụ khí đốt ở EU đạt từ 450 lên 500 tỷ mét khối khí. Điều này sẽ giúp Ukraine có cơ hội bơm ít nhất 30 tỷ mét khối khí. "Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây, liệu Nga muốn tăng sản lượng hay sẽ thích nguồn cung cấp nhiên liệu hóa lỏng - thứ mà nước này đang tích cực tăng lượng sản xuất. Tức là, bằng cách này hay cách khác, Kiev đã bị loại ra khỏi cuộc chơi" - ông Korolchuk nhận định.
Các chuyên gia Nga cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi quá cảnh được giữ lại thêm một thời gian nữa vì lý do chính trị, Ukraine với tư cách là trung gian vẫn không có tương lai. Trong khi đó, thị trường châu Âu đang thay đổi nhanh chóng. Phương án cuối cùng, Nga sẽ thu xếp cung cấp LNG hoặc thậm chí nhiên liệu hydro cho châu Âu.