(Baonghean.vn)- Báo Nghệ An ngày 29/8/2016 ở diễn đàn " Góp ý xây dựng quê hương" đăng bài “Hai đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An sau thảm họa biển miền Trung” của tác giả Phạm Xuân Cần. Sau khi báo đăng UBND tỉnh có công văn số 6539/UBND-VX ngày 06/9/2006 trả lời.
Trong bài viết đăng trên báo Nghệ An, tác giả Phạm Xuân Cần cần kiến nghị: “Môi trường biển Nghệ An bị ảnh hưởng như thế nào thì phải nghiên cứu, phân tích. Kinh tế xã hội Nghệ An bị thiệt hại như thế nào thì phải đong đếm, thống kê. Những vấn đề hệ trọng này không thể bỏ qua, hoặc chỉ suy đoán định tính mà thiếu đi cơ sở khoa học”. Theo đó, có 02 nội dung tác giả đề xuất với UBND tỉnh:
- Chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích đánh giá các sản phẩm hải sản nuôi trồng, đánh bắt, chế biến của Nghệ An. Qua đó đánh giá chất lượng và độ an toàn, công bố cho dân được biết.
Đồng thời, tỉnh cần siết chặt các hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hải sản của Nghệ An; coi đây là những giải pháp quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời bảo hộ cho các sản phẩm hải sản an toàn của Nghệ An.
- Đặt hàng ngay một đề tài khoa học để khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường do Formosa gây ra vừa qua. đồng thời đánh giá các thiệt hại về kinh tế xã hội của Nghệ An do ảnh hưởng của thảm họa môi trường do FMS gây ra vừa qua. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp ứng phó trước mắt cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng biển và ven biển Nghệ An một cách bền vững trong tương lai.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:
1.Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An hoan nghênh và cảm ơn ý kiến đóng góp của ông Phạm Xuân Cần đối với ảnh hưởng của sự cố môi trường do Formosa gây ra đến môi trường biển và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Đây là nội dung đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo, các cơ quan chức năng của tỉnh theo nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, xử lý và đang tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, xử lý một cách nghiêm túc kịp thời. Cụ thể:
- Về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Được lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp đôn đốc thực hiện thường xuyên (Các văn bản của UBND tỉnh: Công văn số 3364/UBND-VX ngày 19/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phấm; Thông báo số 320/TBUBND ngày 08/6/2016; Công văn số 5794/UBND-VX ngày 10/8/2016;...). Các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tích cực, chủ động, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất xử lý các trường hợp đáng quan tâm.
Kể từ khi sự cố môi trường do Formosa gây ra được công bố, công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm là hải sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm sát sao.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản chủ trì phối họp với các cơ quan chức năng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn/ Phòng Kinh tế các huyện, thị phối hợp thực hiện việc kiểm tra, xác nhận an toàn cho hải sản đánh bắt xa bờ để ngư dân và người tiêu dùng yên tâm trong việc khai thác và tiêu thụ hải sản an toàn (Công văn số 030./SNN-QLCL ngày 05/5/2016 của Sở NN&PT Nông thôn).
Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động nhập nguyên liệu thủy sản tại các chợ đầu mối, cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 33/QĐ-CCQLTT ngày 26/4/2016 của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản).
- Vấn đề xác định và thông tin về môi trường biển Nghệ An: Hoạt động quan trắc môi trường biển Nghệ An được cơ quan chuyên môn thực hiện định kỳ và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Khi xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, mặc dù địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp là 04 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị ven biển thực hiện việc tăng cường bảo vệ môi trường tại các bãi biển, khu du lịch (Công văn số 3829/UBND-VX ngày 02/6/2016); chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quan trắc môi trường biển (Cơ quan chuyên môn đã thực hiện quan trắc chất lượng nước biển tại bãi biển du lịch Cửa Lò và Cửa Hội với tần suất 02 ngày/lần trong tháng 6 và 01 tuần/lần từ tháng 7 đến nay) và thông báo kịp thời, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cổng Thông tin điện tử Nghệ An...) để các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là người dân trong tỉnh, khách du lịch biết quan tâm theo dõi (Các Công văn số: 3158/UBND-TM ngày 13/5/2016; 3862/UBND- NN ngày 03/6/2016; 5720/UBND-NNngày 09/8/2016). |
Theo kết quả quan trắc, các thông số chất lượng nước biển ven bờ tại bãi biển du lịch Cửa Lò, Cửa Hội đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩnkỹ thuật quốc gia về nước biển ven bờ QCVN 10-MT:2015/BTNMT đối với với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
- Về thiệt hại do ảnh hưởng sự cố Formosa đối với tỉnh Nghệ An: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện thị ven biển thống kê, đánh giá, tổng họp báo cáo tình hình thiệt hại cho UBND tỉnh.
Ngày 04/7/2016 UBND tỉnh đã có Báo cáo số 124/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở ven biển miền Trung đối với tỉnh Nghệ An đến 30/6/2016; Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1498/VPCP-KTN ngày 21/7/2016 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho tỉnh Nghệ An.
2. Như vậy, đối với 02 đề xuất nói trên của ông Phạm Xuân cần thì các đơn vị, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện thường xuyên. Cụ thể:
-Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện quan trắc các chỉ số về môi trường biển theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng để nghiên cứu, xử lý kịp thời; Đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cổng Thông tin điện tử Nghệ An...) để người dân biết, theo dõi.
-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm là hải sản trên địa bàn tỉnh.
-Sở Khoa học và Công nghệ đã được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh” (Công văn số 5794/UBND-% vx ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh về việc giao chuẩn bị các nội dung thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm) để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm một cách sát thực, hiệu quả, trong đó có việc nghiên cứu thực trạng an toàn thực phẩm đối với hải sản vùng biển Nghệ An sau sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây nên.
- Song song với việc tổ chức, nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học đối với công tác hoạch định, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, trong bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và du lịch biển trên địa bàn, ủy ban nhân dân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Giám đốc các Sở: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh về đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường biển và môi trường phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là trả lời của UBND tỉnh Nghệ An về ý kiến đóng góp của ông Phạm Xuân cần trên Báo Nghệ An số ra ngày 29/8/2016./.
UBND tỉnh