Chiều 23/12, tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 12, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo đề án xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ.

bna_chieu880280_23122021.jpgPhiên họp thường kỳ UBND tỉnh vào chiều 23/12. Ảnh: Phạm Bằng

Để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND tỉnh đồng ý cho huyện Đô Lương xây dựng Đề án xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ.

Theo dự thảo đề án, lộ trình xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030.

Về định hướng khu vực phát triển, đô thị Đô Lương chia thành 3 khu vực có tính chất khác nhau, tạo nên sự đa dạng và sức hút đô thị: Khu vực có tính chất lịch sử, truyền thống; Khu vực phát triển các khu đô thị mới về khu nhà ở và dịch vụ thương mại; Khu vực phát triển đô thị mới có tính chất  dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương trình bày dự thảo đề án. Ảnh: Phạm Bằng

Huyện Đô Lương hiện tại có 32 xã và 1 thị trấn. Dự kiến, khi huyện Đô Lương trở thành thị xã, đô thị Đô Lương sẽ chia làm 12 phường; 19 xã còn lại dự kiến sẽ chia thành 12 xã. Tổng cộng đơn vị hành chính cấp phường, xã khi huyện Đô Lương trở thành thị xã là 24 đơn vị hành chính, giảm được 9 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo dự thảo, về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị gia tăng đạt 6.209,88 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10,19%. Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 51,0% trong tổng thể cơ cấu kinh tế của huyện, đến năm 2030 tăng trên 54,0%.

Về lĩnh vực văn hóa - du lịch, phát triển hệ thống thiết chế chế văn hóa, thể thao cơ sở, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân bao gồm nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí, các cơ sở thể dục, thể thao, thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án. Ảnh: Phạm Bằng

Để xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030, dự thảo đề án nêu ra 7 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung công tác quy hoạch, định hướng, chỉnh trang phát triển đô thị; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị; Hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị, thị xã theo tiêu chí; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về giải pháp huy động nguồn vốn, nguồn lực, UBND tỉnh đồng ý trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép chủ trương xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận phiên họp chiều 23/12. Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi nghe ý kiến các thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, UBND tỉnh thống nhất thông qua nội dung dự thảo đề án và đề nghị huyện Đô Lương tiếp thu nghiêm túc ý kiến các thành viên UBND tỉnh, hoàn thiện dự thảo đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào kỳ họp sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh: 'Không để ai thiếu đói, không để ai không có Tết'

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2022 và yêu cầu các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, “không để ai thiếu đói, không để ai không có Tết”.