(Baonghean.vn) - Sáng 10/9, UBND  tỉnh làm việc với trường Đại học Kinh tế Nghệ An nhằm tháo gỡ những khó khăn sau khi chuyển từ  trường Cao đẳng lên trường Đại học theo Quyết định số 205/Ttg của Thủ tướng chính phủ. Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo  các sở, ban ngành.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An chính thức được thành lập từ ngày 27/1/2014 với chức năng  đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Sau khi được nâng cấp lên thành trường đại học, trường đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học đồng thời cử giáo  viên đi học nâng cao trình độ. Tuy vậy, so với yêu cầu thực tế, trường vẫn còn  nhiều khó khăn, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới. Đặc biệt, thiếu giáo viên cơ hữu theo yêu cầu của các mã ngành đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được điều kiện dạy học và thực hành, chưa đủ nhà ký túc xá cho sinh viên. Công tác nghiên cứu khoa học, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường còn nhiều bất cập…

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Sở Giáo dục phát biểu tại buổi làm việc

Để trường Đại học Kinh tế Nghệ An sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực cao cho cả tỉnh, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị thời gian tới nhà trường cần có một quy hoạch tổng thể đến năm 2020 với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030. Nhà trường cần chăm lo, xây dựng sớm đề án tuyển sinh, cơ cấu đào tạo,  gắn việc tuyển sinh và mở các ngành nghề gắn với nhu cầu phát triển của xã hội; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, chú trọng đào tạo các ngành nghề mũi nhọn để nâng thương hiệu của nhà trường. Cần đổi mới cách dạy, cách học, cách thi theo như nội dung của Nghị quyết 29 về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nhà trường cũng cần tăng cường phối hợp với các Sở, ban ngành để từng bước tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, đất đai xây dựng trại thực hành, thí nghiệm, địa bàn thực tập cho khối nông - lâm cũng như việc đào tạo đội ngũ giảng viên và xây dựng thư viện điện tử của nhà trường./.

                                                                        Tin, ảnh: Mỹ Hà