(Baonghean.vn) - Chiều 6/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc nghe và cho ý kiến với 3 đề án phát triển vùng dân tộc miền núi theo Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết 26/TW. Đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự có đại diện các sở ban ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã trình bày 3 nội dung đề án: Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc hàng hóa cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo di dân, định canh định cư tại tỉnh Nghệ An; Thí điểm xây dựng làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Xây dựng bản tin dân tộc.
Theo đó: Đề án Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc hàng hóa cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo di dân, định canh định cư tại tỉnh Nghệ An hướng tới việc xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững, phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc tại vùng miền núi. Đối tượng đề án dự kiến hỗ trợ là 917 hộ nghèo di dân tái định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và Quyết định 33/2013/2013/QĐ-TTg tại các điểm định canh định cư tập trung xen ghép tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong và Quỳ Hợp. Tổng số vốn đầu tư là gần 33,3 tỷ đồng, trong đó 80% là ngân sách trung ương; Dự kiến sau 3 năm, mỗi năm giảm từ 9-10% hộ nghèo.
Đề án Thí điểm xây dựng làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, đồng thời thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với vùng dân tộc thiểu số Nghệ An, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các đối tượng là người nghèo và người dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo. Địa điểm triển khai lựa chọn là 8 làng, bản tiêu biểu làm thí điểm. Tổng kinh phí dự kiến là trên 67,8 tỷ đồng.
Đề án Xây dựng bản tin dân tộc hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của cộng đồng người dân tộc thiểu số góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần người dân; ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành liên quan, đồng chí Lê Xuân Đại đã ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng 3 đề án của Ban Dân tộc tỉnh và khẳng định mục tiêu các đề án đặt ra là rất thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng dân tốc thiểu số. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ban soạn thảo bổ sung các căn cứ pháp lý xây dựng đề án; Đánh giá thực trạng, xây dựng giải pháp sâu sát hơn trên cơ sở tham khảo ý kiến của các ngành chuyên môn; Xem xét các hình thức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và điều chỉnh thống nhất các mức giá hỗ trợ cho các đối tượng; Xây dựng lộ trình thực hiện các đề án một cách cụ thể, hợp lý và hiệu quả./.
Thanh Sơn