(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 29/5/2014 có bài “Tân Kỳ cần rút kinh nghiệm trong việc tuyển dụng giáo viên mầm non”. Sau khi báo đăng, ngày 9/7/2014, UBND huyện Tân Kỳ có Công văn số 1200/UBND-NV trả lời như sau:
Thực hiện Hướng dẫn liên ngành số 837/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC-BHXH ngày 11/5/2011 của Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Nội vụ - Sở Tài chính - Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 64/QĐ.UBND.VX ngày 7/1/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành Hướng dẫn số 322/HD-UBND ngày 16/6/2011 "Hướng dẫn công tác chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập huyện Tân Kỳ”. Theo quy định tại Quyết định số 64/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh thì đối tượng chuyển đổi là các trường mầm non bán công nên cán bộ, giáo viên, nhân viên hợp đồng của trường mầm non bán công mới được xem xét để tuyển dụng vào biên chế. Với ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ do một số lượng lớn giáo viên hợp đồng ở các trường mầm non công lập đã có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho ngành, nhiều đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước, nên UBND huyện đã triển khai xét hồ sơ của tất cả các trường mầm non trên địa bàn (không phân biệt công lập hay bán công), với mong muốn đề nghị UBND tỉnh xem xét để vận dụng.
Sau khi nhận được Công văn số 1402/SGD&ĐT-TCCB ngày 27/7/2011 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về việc nêu ý kiến vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công, UBND huyện đã có ý kiến về đối tượng xét tuyển dụng. Đến ngày 20/10/2011, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có Công văn số 2013/SGDĐT-TCCB nhắc nhở việc thẩm định biên chế và quỹ lương chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công, tại Mục 2 có nêu "Không đề nghị thẩm định vượt quá số định mức được giao, không đề xuất tuyển đối tượng không đúng quy định, bằng cấp chuyên môn chưa đạt chuẩn hoặc không phù hợp". Vì vậy, UBND huyện Tân Kỳ chỉ xét hồ sơ của cán bộ, giáo viên, nhân viên đang hợp đồng ở các trường mầm non bán công để liên ngành Sở Giáo dục & Đào tạo – Sở Nội vụ - Sở Tài chính và BHXH tỉnh Nghệ An thẩm định (Số cán bộ, giáo viên của 15 trường bán công tham gia xét tuyển 269 người, trong đó giáo viên 256 người, nhân viên phục vụ 13 người). Kết quả có 248 người (giáo viên 235;  nhân viên 13) đủ tiêu chuẩn, điều kiện được xét tuyển dụng vào biên chế theo Quyết định số 64/QĐ.UBND.VX ngày 7/1/2014 của UBND tỉnh Nghệ An.
Việc các cô phản ánh ở trường mầm non thị trấn có nhiều giáo viên đạt 45 điểm nhưng vẫn không được xét tuyển, trong khi đó ở các trường khác có giáo viên mới vào ngành được 1 năm đạt 6 điểm, chưa có thành tích xuất sắc về chuyên môn mà vẫn được tuyển dụng vào biên chế.
Nội dung này các cô phản ánh là có cơ sở, do trong số 235 giáo viên được tuyển dụng thì số điểm xét tuyển được tính từ 6 điểm trở lên. Như đã nêu, đối tượng xét tuyển dụng trong đợt chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập theo Quyết định số 64/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An là cán bộ, giáo viên hợp đồng công  tác ở các trường mầm non bán công. Trong khi đó, các cô lại thuộc trường mầm non công lập cho nên không nằm trong đối tượng xét tuyển.
Việc triển khai làm hồ sơ cho tất cả các trường mầm non trên địa bàn theo Hướng dẫn số 322/HD-UBND ngày 16/6/2011 của UBND huyện Tân Kỳ là chưa đúng theo yêu cầu chuyển đổi tại Quyết định số 64/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An.
UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo các phòng tham mưu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm "Tham mưu hướng dẫn chưa chặt chẽ về đối tượng chuyển đổi chưa có văn bản thông tin cho các trường mầm non công lập biết về đối tượng được xét hồ sơ trong chuyển đổi để quán triệt cho tất cả giáo viên, mới thông tin trong các cuộc họp quản lý của toàn ngành".
Về nội dung phản ánh liên quan đến Thông tư  09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của liên bộ: Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 .
Hiện nay, chính sách chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo đã được UBND tỉnh phân bổ ngân sách để thực hiện, còn chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được thực hiện bởi kinh phí của địa phương chưa đảm bảo, vấn đề này đã được UBND tỉnh lập hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ của Trung ương.
Như vậy, nội dung các cô phản ánh là nguyện vọng chính đáng, song để thực hiện được cần phải chờ hướng dẫn của cấp trên.
Liên quan đến nội dung tuyển dụng khi chuyển đổi, ngày 20/6/2014, tại buổi làm việc giữa Thanh tra huyện Tân Kỳ với 9 giáo viên, các cô phản ánh "Sau khi tuyển dụng biên chế cho giáo viên các trường mầm non bán công, một số huyện Đô Lương, Anh Sơn... tiếp tục triển khai xét tuyển dụng biên chế cho giáo viên các trường công lập. Hiện nay huyện Tân Kỳ vẫn còn chỉ tiêu biên chế cho bậc học mầm non, nhưng chưa được triển khai xét biên chế như các huyện khác". 
Về vấn đề này, UBND huyện có ý kiến như sau:
Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh giao biên chế: 1.863 (Mầm non: 595; TH 670; THCS 570; TTHTCĐ 22; Biệt phái 6). Hiện có tính đến hết tháng 12/2013: 1866 (Mầm non: 503; TH 703; THCS 624; TTHTCĐ 22; Biệt phái 11 ; Văn phòng Giáo dục 3). Như vậy toàn ngành Giáo dục Tân Kỳ hiện đang dư thừa 3 người (Mầm non thiếu 92; Tiểu học thừa 33; THCS thừa 54; Biệt phái, Văn phòng Giáo dục thừa 8). 
Trong khi đó theo quy định của UBND tỉnh, các huyện chỉ được phép tuyển dụng vào biên chế khi biên chế toàn ngành đang thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao.
Vì vậy, mặc dù bậc học mầm non đang thiếu, nhưng ngành Giáo dục Tân Kỳ chưa được xét tuyển dụng biên chế là do các bậc học khác đang dư thừa. 
Để giải quyết những khó khăn trên, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục và phòng Nội vụ tham mưu xây dựng đề án giải quyết dôi dư biên chế ngành Giáo dục, trong thời gian tới sẽ trình UBND tỉnh xem xét để phê duyệt số lượng được hợp đồng cho các bậc học, khi có chỉ tiêu biên chế, UBND huyện sẽ thực hiện việc tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật. 
UBND huyện Tân Kỳ