(Baonghean) - Báo Nghệ An số 9435 ra ngày 27/5/2013, tại mục “Thông tin đường dây nóng”, người dân Quỳ Hợp phản ánh: "Mặc dù thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử lý hành vi khai thác thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, hiện nay tình trạng khai thác thiếc lậu vẫn tiếp diễn, nước thải từ quá trình đào quặng thiếc xả bừa bãi ra đất nông nghiệp và làm đục ngầu sông suối gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân".
Thực hiện Công văn số: 1340/STNMT-MT ngày 27/5/2013 của Sở TN&MT về việc trả lời nội dung báo nêu, ngày 2/7/2013, UBND huyện Quỳ Hợp có Công văn số 142 BC-UBND-MT gửi Báo Nghệ An như sau:
1. Về nội dung: "…hiện nay tình trạng khai thác thiếc lậu vẫn tiếp diễn…" Qua thực tế và qua kiểm tra, UBND huyện thấy việc xảy ra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Quỳ Hợp là có thật.
Tuy nhiên, khai thác khoáng sản trái phép thỉnh thoảng xẩy ra nhỏ, lẻ ở những nơi ít tập trung khoáng sản (vì những nơi tập trung khoáng sản thì các doanh nghiệp đã xin cấp phép thăm dò, khai thác). Ngoài ra vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp chưa có đầy đủ thủ tục hồ sơ như thuê đất, hoặc tranh thủ đóng cửa mỏ để khai thác là cũng trái với quy định.
2. Về nội dung: "…Nước thải từ việc đào, đãi quặng thiếc xả bừa bãi khiến sông suối bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương".
Vấn đề nước sông suối bị ô nhiễm là có thật: Từ những năm 1980, khi Công ty KLM Nghệ Tĩnh hợp tác với Liên Xô cũ tổ chức khai thác quặng thiếc tại xã Châu Hồng làm dòng nước suối Nậm Tôn bị đục cho đến ngày nay (32 năm). Đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, Trung ương và tỉnh đã cấp phép khai thác 30 mỏ quặng thiếc trên địa bàn các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp, Châu Quang, Châu Cường (đầu nguồn suối Nậm Tôn, khu vực gây ô nhiễm nguồn nước). Hiện nay, có 22 mỏ, các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác.
Hầu hết các mỏ quặng thiếc được cấp đều nằm ở khu vực núi đá, cao, xa, có hang castơ, đường sá đi lại khó khăn. Trong quá trình khai thác, khi chưa lấy được quặng thiếc (trong đất đá để đưa về tuyển rửa đãi quặng) thì các lớp đất đá đã rơi xuống các hang castơ, ngấm sâu trong các lòng núi, tạo nguồn nước đục từ đầu nguồn chảy ra dòng suối Nậm Tôn. Cùng với thực trạng hoạt động khai thác thiếc, bình thường các doanh nghiệp thường không thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng công trình bảo vệ môi trường không đúng như cam kết, lợi dụng lúc vắng đoàn kiểm tra, ban đêm, trời mưa, lũ để tháo đập xả thải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường, không qua hệ thống lắng lọc, dẫn đến dòng nước suối Nậm Tôn thường xuyên bị đục.
Về nội dung phản ánh: “nước thải từ quá trình đào quặng thiếc xả bừa bãi gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân", là không đúng với thực tế. Người dân các xóm này chủ yếu dùng nước giếng cho sinh hoạt, ăn uống.
3. Việc kiểm tra xử lý của UBND huyện: Khi phát hiện, UBND huyện đã xử lý và phối hợp xử lý nghiêm túc, triệt để từng vụ việc. UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xử lý hoạt động theo chế độ bán chuyên trách, mỗi tháng không dưới mười ngày. Bốn tháng đầu năm 2013, UBND huyện đã kiểm tra 60 trường hợp, đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 40 trường hợp với số tiền hơn 400.000.000 đồng (trong đó khai thác khoáng sản trái phép 5 trường hợp, về môi trường 12 trường hợp, còn lại là chưa thuê đất, khai thác sai thiết kế, an toàn lao động…).
Trong những năm qua (2009, 2010, 2011, 2012) và đầu năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác số 163, do Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, đủ lực lượng, phương tiện, điều kiện, thời gian để chuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản, môi trường, nhất là khai thác khoáng sản trái phép...
4. Trách nhiệm và một số giải pháp trước mắt và lâu dài của UBND huyện:
- Vấn đề mà nhân dân xóm Quang Hưng và bản Còn, xã Châu Quang bức xúc nhất lâu nay phải dùng nước suối Nậm Tôn để tưới tiêu cho hơn 50 ha ruộng lúa, do nước đục, nên hàng năm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Vấn đề trước mắt UBND huyện đã giải quyết:
Hàng năm, UBND huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí cho nhân dân khắc phục ô nhiễm nguồn nước: Năm 2012, UBND huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho nhân dân, tổ chức sản xuất, khắc phục ô nhiễm nguồn nước; năm 2013 UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 200 triệu đồng.
Để xử lý mang tính bền vững, lâu dài: Về nước sinh hoạt, hiện nay UBND huyện đã giao cho các phòng chuyên môn liên quan phối hợp với các ngành cấp trên liên quan lập dự án nối đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch Thị trấn Quỳ Hợp đến các xóm ảnh hưởng nước đỏ suối Nậm Tôn: bản Còn, Quang Hưng, bản Cà, xã Châu Quang để nhân dân có nước sạch sử dụng. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước suối Nậm Tôn, tưới tiêu cho nhân dân các xóm nói trên, UBND huyện đã giao cho phòng NN&PTNT phối hợp với UBND xã Châu Quang, nhân dân các xóm sản xuất lúa nước 2 vụ và các ngành liên quan xây dựng Dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa nước 2 vụ sang trồng cây màu đảm bảo ổn định năng suất và hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn hiện nay. UBND huyện sẽ tiếp tục, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng nước đục ở dòng suối Nậm Tôn, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Thực hiện theo qui định tại Nghị định số 117/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Môi trường. Ngày 6/6/2013, UBND huyện đã có Công văn số 291 gửi Sở TN&MT, UBND tỉnh, đưa 7 mỏ quặng thiếc đầu nguồn vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, để áp dụng biện pháp tạm đình chỉ sản xuất hoặc ngừng cung cấp điện cho sản xuất đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Đồng thời, UBND huyện đang phối hợp với Sở TN&MT lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần.
UBND huyện Quỳ Hợp trả lời vấn đề Báo nêu
UBND huyện Quỳ Hợp