(Baonghean) - Nhận được công văn của Báo Nghệ An: "Về việc chuyển kiến nghị công dân", kèm theo đơn đề nghị của ông Trần Văn Mật, công dân trú tại số nhà 62, đường Nguyễn Xiên, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phương, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về nội dung mẹ ông là bà Đậu Thị Em, tên thường gọi Đậu Thị Tân, sinh năm 1912, những năm 1950 - 1951 vận chuyển than, quặng phục vụ xưởng quân khí; Năm 1952 - 1953 vận chuyển thương binh từ Đô Lương về Viện 4 Thạch Bích - Thanh Chương; Từ 1963 - 1968 có 5 người con tòng quân chống Mỹ; Từ 1965 - 1972 chèo đò chở bộ đội qua sông Lam hành quân vào Nam đánh Mỹ. Hiện nay bà chưa được hưởng chế độ gì của Nhà nước. Ngày 4/9/2012, UBND huyện Đô Lương đã có Công văn số 262/UBND với nội dung sau:

Qua nội dung đơn phản ánh, chiếu theo Quyết nghị số 47/NĐ/HĐNN7 ngày 20/9/1981 của Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau khi thẩm tra xác minh tại địa phương, hiện bà Đậu Thị Em (bà Tân) đã được hưởng các chế độ sau:

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba: Tại sổ vàng khen thưởng của xã Đăng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có ghi tên bà Đậu Thị Em được Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; số bằng: 1958, Quyết định số: 01, ngày 6/11/1987. Tại sổ quản lý đối tượng người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần của phòng Lao động - TB&XH huyện Đô Lương theo số thứ tự trong danh sách xã Đặng Sơn số 516; Bà Đậu Thị Tân; Năm sinh: 1910; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Thời gian được tính: 14 năm, 5 tháng; quy tròn: 14,5 năm; Số tiền được tính: 1.740 000 đồng (có bản sao quyết định trợ cấp một lần kèm theo).

- Về chế độ bảo hiểm y tế: Trong hồ sơ trả chế độ trợ cấp một lần Huân chương Kháng chiến ghi tên là: Đậu Thị Em; Năm sinh: 1910; Trong chứng minh nhân dân ghi tên: Trần Thị Em; Năm sinh: 1912; Nên BHYT của bà Em được UBND xã Đặng Sơn đề nghị cấp theo BHYT người cao tuổi (theo chứng minh nhân dân).

- Trợ cấp xã hội: Từ khi Nhà nước có chủ trương trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi (Nghị định số 30/2002/NĐ-CP) từ 90 tuổi trở lên, bà Em (bà Tân) đã được nhận tiền trợ cấp hàng tháng đầy đủ, cho đến nay bà đang hưởng trợ cấp hàng tháng mức 180.000 đồng/tháng. Về chế độ quà ngày tết đối với người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến nhưng không có chế độ gì khác: Từ tết năm 2010 đến tết năm 2012 theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An, bà đã được nhận số tiền 200.000 đồng (Tết 2010 bà Em được cấp 50.000 đồng; tết 2011 bà Em được cấp 50.000 đồng; tết năm 2012 bà Em được cấp 100.000 đồng);

Trong thời gian bà đi vắng, các chế độ đối với bà được người con dâu đầu của bà nhận (kể cả quà chúc thọ năm 2012 gồm: Thư chúc thọ, tiền mặt 500.000 đồng và 5m vải đỏ).

Đối chiếu thành tích của bà Em (bà Tân) - thuộc đối tượng không phải là cán bộ, với các điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì bà Đậu Thị Em là đối tượng "có thành tích đặc biệt xuất sắc ủng hộ của cải vật chất cho kháng chiến" (Điểm a, Điểm b, Khoản l; Điều 6) nên được Hội đồng Nhà nước, Nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba là đúng (Điểm a; Khoản 2; Điều 6); Mức trợ cấp một lần mà Sở Lao động - TB&XH tỉnh Nghệ An cấp cho bà Em là đúng với Nghị định số, 281/CP, ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định.

Ngoài chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67 và các chế độ khác, UBND xã Đặng Sơn đều chi trả cho bà Em đầy đủ, kịp thời.


UBND huyện Đô Lương