(Baonghean.vn) - Malik Obama chính là kiểu người mà Donald Trump muốn “tống khứ” khỏi nước Mỹ. Ông ta là người Hồi giáo. Ông còn đến từ Kenya, quốc gia gặp nhiều bất ổn trong những năm gần đây và là mục tiêu của những kẻ khủng bố từ Somalia vốn tự liệt mình vào nhóm các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Malik Obama - anh trai cùng cha khác mẹ của Tổng thống Mỹ Barack Obama làm khách mời của ứng viên Donald Trump trong phiên tranh luận cuối cùng đêm 19/10. Ảnh: Reuters.

Malik không công bố con số chính xác nhưng ước chừng ông ta có từ 3 đến 12 người vợ, rõ ràng đi ngược với các giá trị gia đình truyền thống của nước Mỹ. Nhưng Malik Obama đã nhập tịch thành công dân Mỹ, và là anh cùng cha khác mẹ của đương kim Tổng thống Barack Obama.

Tuy vậy, điều đáng nói hơn cả, ông ta lại là người mạnh mẽ ủng hộ Donald Trump. Nhận lời mời từ chiến dịch vận động của Trump,  Malik đã trở thành khách mời tại đêm tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng của 2 ứng viên tổng thống Mỹ tại Las Vegas, cùng những người ủng hộ trung thành khác của Trump chế nhạo Tổng thống và người kế nhiệm mà Barack Obama ưu ái Hillary Clinton.

Đáng lẽ mọi chuyện không đi theo hướng như vậy. Malik Obama từng là phù rể trong đám cưới của Barack Obama và Michelle. Ngược lại, Barack Obama cũng từng giữ vị trí tương tự tại 1 trong các lễ thành hôn của Malik. Năm 2013, Malik từng quả quyết ông ta cùng em trai cùng cha khác mẹ có chung khiếu lãnh đạo “từ trong gen”.

Nhưng từ đó đến nay, quan hệ giữa 2 anh em ngày một xấu đi. Một phần có thể là bởi Malik cảm thấy bị người em trai thành công và nổi tiếng “hắt hủi”. Malik từng nói với tờ New York Post về một quỹ ông ta lập ra lấy tên của người cha: “Em trai tôi chẳng giúp đỡ gì tôi cả. Nó muốn tôi ngừng hoạt động quỹ khi mới thành lập, tuyệt nhiên không hỗ trợ gì”.

Nhìn vào thành công của Barack, Malik cũng từng cố gắng chạy đua chức thống đốc Siaya, một bang của Kenya nằm dọc bờ Bắc Hồ Victoria nhưng chỉ nhận được 1% số phiếu bầu. Tại Mỹ, đa số thời gian Malik làm kế toán cho các tổ chức quanh khu vực trung tâm thủ đô, bao gồm Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Lockheed Martin và Fannie Mae. Theo đăng ký, ông sẽ đi bỏ phiếu ở Maryland và sẽ bầu cho Trump.

Malik được bạn bè và người thân nhấc bổng để ăn mừng Barack Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, chụp tại làng Kogelo, Kenya ngày 5/11/2008. Ảnh: AP.

Lý do Malik đưa ra vừa liên quan đến sự khác biệt ngày một tăng giữa ông ta với người em trai cùng cha khác mẹ, và cũng liên quan đến con người lẫn tư tưởng của Trump. Khi tuyên bố đứng về phía Trump hồi tháng 7, Malik nói rằng ông ta nhận thấy ứng viên đảng Cộng hòa rất trung thực, và đặt lòng tin vào khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump.

Malik cho rằng những người phụ nữ cáo buộc Trump tấn công tình dục đang dối trá, và đặt câu hỏi tại sao những người đó không xuất hiện sớm hơn. Ông ta cũng phản đối mở rộng quyền cho cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) - điều mà em trai Barack đã nỗ lực đạt được, đồng thời tỏ ý thất vọng vì nước Mỹ đã tiêu diệt Moammar Gaddafi - “một trong những người bạn tốt nhất” của Malik.

Tuy nhiên, mấu chốt là, ông ta và Trump có chung điểm gì đó sâu xa hơn: họ là những kẻ cơ hội, mê ánh đèn sân khấu. Malik Obama thích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, và lời mời tới tham dự đêm tranh luận chỉ càng giúp ông ta đạt được ước nguyện. Trong khi Trump đang lợi dụng các thư mời xem tranh luận để gây sốc.

Trước đó, tỷ phú đã mời 4 phụ nữ cáo buộc chồng bà Hillary Clinton có hành vi tình dục không đứng đắn, làm phương tiện để đánh lạc hướng những cáo buộc tương tự nhắm vào Trump, khơi mào chỉ trích đối với vợ chồng nhà Clinton. Trump cũng cho rằng bà Clinton cư xử cay nghiệt với những người cáo buộc chồng, ngụ ý ủng hộ quyền lợi của nữ giới.

Malik là thành viên duy nhất trong đại gia đình Obama ủng hộ Trump. Chú ruột 2 anh em nhà Obama từng nói với tờ The Washington Post: “Mỹ cần ai đó sẽ đưa dân chúng và các nền văn hóa xích lại gần nhau, mà đó thì không phải điều Donald Trump ủng hộ”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ cũng không mấy quan tâm đến tin tức về người anh cùng cha khác mẹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest  cho hay, Tổng thống đã dành “rất nhiều thời gian” xem xét chuyện Trump gửi lời mời Malik.  Earnest cũng nói rằng quan hệ 2 anh em không thật sự xuôi chèo mát mái, chỉ trò chuyện với nhau chừng 1 lần mỗi năm. Chẳng ai biết được cuộc nói chuyện kế tiếp của họ sẽ diễn ra như thế nào!

Phú Bình

(Theo WP)

TIN LIÊN QUAN