Trước hết phải nói rằng việc Đình Trọng có vào sân được hay không, không ảnh hưởng nhiều đến việc Thành Chung sẽ có mặt trong đội hình xuất phát. Bởi ngoài đá vị trí trung vệ chính giữa, cầu thủ lò Hà Nội còn có thể đá tốt khi được bố trí chơi lệch trái.
Xứng đáng đá chính
Như vậy, Thành Chung không phải là sự thay thế Đình Trọng tại VCK U23 châu Á 2020, anh hoàn toàn xứng đáng có suất đá chính. Nhất là khi phân tích các số liệu chuyên môn của trung vệ này tại SEA Games 30 vừa qua, sẽ cho nhận định chuẩn xác hơn. Về phong cách, Thành Chung là mẫu hậu vệ thiên về việc đọc ý đồ tấn công của đối phương, chủ động di chuyển đón lõng và cắt bóng hệt Đình Trọng.
Với chiều cao 1,81 m cùng với sức bật nhảy khá tốt, khả năng chọn ví trí chuẩn xác Thanh Chung có tỷ lệ không chiến thành công 83%, cao thứ 2 toàn đội. Ông Park thường xuyên yêu cầu trung vệ này liên tục tham gia vào các tình huống đá phạt cố định, gây sức ép trực tiếp lên khung thành đối phương.
Cũng giống như đồng đội, Thành Chung không tắc bóng nhiều (1,7 lần/trận) bởi anh luôn phán đoán và đón lõng đối thủ trước. Đây là phẩm chất cực kỳ cần thiết cho cầu thủ đá thòng, thường xuyên có nhiệm vụ bọc lót cho đồng đội. Nhưng chỉ số thu hồi bóng và phá bóng trung bình trong mỗi trận đấu của Thành Chung hiện nay là 6,8 và 4,8 lần/trận, thuộc dạng tốt thứ nhì tại U23 Việt Nam.
Nhìn bản đồ chuyền bóng của Thành Chung mới biết trung vệ này cực kỳ ít chuyền bóng về cho thủ môn, điều rất cần thiết tại thời điểm U23 hiện nay. Chân trái của Thành Chung cũng thực hiện khá nhiều đường phát động tấn công có cự ly trung bình và dài như Quế Ngọc Hải.
Nếu theo dõi quá trình chuyên môn của trung vệ này mới biết, Thành Chung và Quang Hải (lứa cầu thủ sinh 1997-1998) được đôn lên đội 1 sớm nhất và kịp được nâng cúp vô địch V.League 2016. Trong khi đó Đình Trọng phải khăn gói đá cho Sài Gòn FC 2 mùa mới trở về sân Hàng Đẫy. Thậm chí đá trung vệ nhưng Thành Chung lại là “gà son” thường được HLV Chu Đình Nghiêm tung vào sân khi Hà Nội FC cần bàn thắng.
Sự nghiệp của Thành Chung không được suôn sẻ bởi có những quan điểm trái với ông thầy Hoàng Tuấn Anh. Dù được khá nhiều ông thầy khác đánh giá cao nhưng Thành Chung không “có cửa” tại đội tuyển U19 Việt Nam. Trong khi đó, Đình Trọng đã trở thành nhân tố chính tham dự U20 World Cup 2017, SEA Games 29. Dù bất lợi về thể hình, Đình Trọng buộc phải thi đấu ở những vị trí trái sở trường như hậu vệ phải, tiền vệ phòng ngự.
Trở về từ Sài Gòn FC, trong màu áo Hà Nội thì trung vệ Đình Trọng được thi đấu nhiều hơn Thành Chung. Khi HLV Park Hang-seo xuất hiện, các đội tuyển áp dụng sơ đồ 3 trung vệ Đình Trọng càng có cơ hội để thể hiện mình và khẳng định vị trí hàng đầu của đội tuyển như hiện nay.
Hãy tin Thành Chung
Trong khi Thành Chung, vì những vấn đề ngoài chuyên môn nên đã đi theo ngã rẽ khác. Phải đến SEA Games 30 khi Đình Trọng chấn thương thì các nhà chuyên môn mới thấy được hết những phẩm chất của trung vệ này. Thậm chí có những khả năng chuyên môn hẹp anh còn vượt trội Đình Trọng khi có phong độ cao nhất.
Nhiều HLV cho rằng ông Park rất quan tâm đến tình trạng chấn thương của Đình Trọng không phải lo lắng đến khả năng chuyên môn của Thành Chung. Điều ông thầy người Hàn Quốc lo lắng, đó chính là phương án dự bị cho vị trí của Thành Chung hơn là cần người vào sân tức thì.
Với 1 vị trí khá nhạy cảm như trung vệ thòng, rất hiếm nhà cầm quân sẽ trao ngay cơ hội cho cầu thủ có thời gian dài chấn thương không ra sân thi đấu như Đình Trọng. Rõ ràng, Đình Trọng là trung vệ chuyên môn tốt nhưng phong độ hiện thời của Thành Chung cũng ấn tượng không kém. Niềm tin trao cho Thành Chung cần phải nhiều hơn, đúng với những gì cầu thủ này đã cống hiến./.