Ai bên cạnh họ khi thất bại, đau thương?
Cuối tháng 8.2017, sau thất bại của Việt Nam tại vòng bảng SEAgames 29, trong một clip trả lời phỏng vấn báo chí, đội trưởng Xuân Trường can đảm khẳng định, đội tuyển U23 là một tập thể trong sạch, đoàn kết. Cậu bảo vệ những đồng đội như Văn Thanh, Công Phượng, Phí Minh Long... Khỏi phải nói, clip đó đã bị người hâm mộ chửi mắng nhiều tới mức nào.
Có những người bình luận ngay dưới video trên rằng: "Ôi những thằng cầu thủ dặt dẹo". Hayngười khác viết: "Bọn này chỉ nên về quê trồng rau, chăn vịt...". Kẻ thờ ơ hơn thì đặt câu hỏi: "Xuân Trường là ai, Văn Thanh là ai"...
Thời điểm ấy, có hôm vào Instagram, tình cờ tôi thấy Xuân Trường post một clip ngắn trong phần story (sẽ tự động biến mất trong ngày và ko hiện lên wall). Clip kéo dài gần 1 phút chỉ ghi lại vỏn vẹn một cảnh: Khoảng không bên ngoài xe ô tô trống trải và hun hút.
Có lẽ, đó chính là tâm trạng của Trường khi ấy. Em không biết tương lai của mình sẽ ra sao sau khi trải qua chuỗi ngày dài đằng đẵng đá dự bị ở Gangwon FC, rồi tiếp tục nhận thất bại cay đắng ở đội tuyển. Xem đi xem lại clip mấy lần, xót xa vô cùng nhưng không biết phải làm gì.
Chỉ 5 tháng sau thôi, mọi thứ đã khác nhiều. Những ngày này, họ trở thành người hùng của dân tộc. Người ta tôn vinh họ ở quán trà đá ven đường, trong không gian lớp học, trên sân khấu, trên sóng truyền hình...
Thật may, cầu thủ ngày ý chưa ai kịp đi chăn vịt, chăn gà. Họ vẫn sống, vẫn tiếp tục giấc mơ một cách kiên cường và nỗ lực.
Đôi khi, nhớ lại những ngày ấy, tôi đã nghĩ, nếu Việt Nam may mắn hơn trong trận gặp Indonesia và Công Phượng không sút hỏng phạt đền trong trận gặp Thái Lan, mọi thứ đã khác. Nhưng có lẽ đó cũng là sự an bài của lịch sử, nhờ đó chúng ta mới có Park Hang Seo - một HLV giỏi, có đội tuyển U23 quật cường, vững chãi và có tổ chức hơn rất nhiều.
Việc U23 Việt Nam đoạt Á quân giải đấu mang tầm cỡ châu lục thắp lên giấc mơ lớn cho không ít người hâm mộ. Nhưng thật ra, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Trong giải đấu này, có quốc gia ko tung ra đội hình mạnh nhất vì không triệu tập được cầu thủ từ các câu lạc bộ nước ngoài, có quốc gia đưa cầu thủ trẻ vì mục tiêu 2 năm nữa giành vé tham dự Olympic.
Chúng ta bước vào các trận cầu vẫn trong tư thế 5 ăn 5 thua. Và chỉ cần kém may mắn một chút, thất bại sẽ lại tìm tới!
Bóng đá là vậy, phong độ và may mắn tùy thuộc vào từng giải đấu. Tôi chỉ mong đội tuyển chúng ta sẽ tiến lên từng bước một sau chiến tích này và người hâm mộ kiên nhẫn, yêu thương tin tưởng họ. Lỡ như ngày mai các em có sảy chân nhưng chiến đấu mạnh mẽ và trong sạch, đừng ai so sánh và dè bỉu họ.
Chuyện của những người đến từ "vùng trũng"
Việt Nam đến với giải đấu của châu lục khi mà bóng đá Đông Nam Á luôn bị đánh giá thấp kém. Để rồi, họ đã khiến cổ động viên khu vực này hạnh phúc, rơi nước mắt khi xóa tan định kiến lâu đời. Cuộc chiến của những người từ "vùng trũng" bóng đá chính là câu chuyện truyền cảm hứng nhất mạng xã hội châu Á mấy ngày qua.
Nó khẳng định, miễn chúng ta có tinh thần chiến đấu, miễn chúng ta có quyết tâm cao, không điều gì là không thể.
Clip Xuân Trường trả lời bằng tiếng Anh trước phóng viên quốc tế thắp lên niềm tin cho nhiều người về một thế hệ Việt Nam mới: Tự tin, khiêm nhường và văn minh. Ảnh: I.T
Hãy xem, Bùi Tiến Dũng đã tuyệt vời và kiên cường như thế nào sau những ngày lam lũ đi xách vữa, xây nhà. Hãy xem, Lương Xuân Trường, một cầu thủ tới từ tỉnh miền núi Tuyên Quang (chỉ học tiếng Anh từ khi lên 10 tuổi, lúc bắt đầu tập huấn ở HAGL) trả lời tự tin thế nào trước truyền thông quốc tế, trong khi đồng đội của anh và những cầu thủ khác đến từ Nhật, Hàn đều cần phiên dịch.
Và còn những câu thủ dân tộc Mường như Đức Chinh, anh em Tiến Dũng - Tiến Dụng..., họ chứng minh mọi lợi thế chỉ là bước đầu, xuất phát điểm thấp chẳng có gì đáng sợ, dân tộc thiểu số cũng chẳng có sao.
Họ, dù không ai bảo ai, đã cùng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ: Đừng tự ti khi nhà chúng ta chưa giàu, công việc chúng ta chưa sang hay học thức còn thấp. Miễn ta còn nuôi một giấc mơ, khi ấy chúng ta còn hy vọng.
Hãy cứ cho họ sống như những người trẻ...
Ngay sau trận bán kết, đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều cây bút trên mạng xã hội đưa ra lời khuyên cho những cầu thủ trẻ. Họ bảo các em nên sống thế này thế kia, không dính đến chân dài, gái hư showbiz.
Tôi thì nghĩ khác, tại sao phải thế nhỉ?
Hãy cho các em sống đúng với tuổi trẻ, với suy nghĩ và nhịp đập trái tim của họ đi. Thủy Tiên trước khi yêu Công Vinh chẳng phải cũng bị gắn mác gái hư hay sao? Miley Cyrus đã thay đổi thế nào khi yêu Liam Hemsworth? Showbiz đâu phải toàn thị phi xấu xa? Ở đó cũng có không ít người ngoãn ngoan và cầu tiến. Các em hoàn toàn có quyền lựa chọn và tìm cho mình một người hoàn hảo ở bên chứ!!!