HLV Park Hang-seo đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí vào ngày 29/10 các thông tin về đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U22 tham dự SEA Games.
Khác với Thái Lan, chắc chắn để hoàn thành mục tiêu “săn vàng” chúng ta sẽ chọn 2 cầu thủ nhằm tăng cường cho đội tuyển U22. Ông không ngần ngại chỉ ra 4 tiêu chí: "Tôi sẽ chọn 2 tuyển thủ có thể bù đắp vào những vị trí yếu nhất của U22 Việt Nam. Các cầu thủ thi đấu đa năng từ 2 vị trí trở lên sẽ nằm trong diện ưu tiên. Tôi chọn cầu thủ chơi được nhiều vị trí khác nhau, chơi trên 2 vị trí trở lên. Cầu thủ phải từ đội tuyển quốc gia, có tốc độ phục hồi nhanh nhất".
Lo, chỉ để mà lo
Thực ra, vị trí lo ngại nhất của U22 Việt Nam phải là tiền đạo cắm và thủ môn. Phong độ của “thủ môn quốc dân” Bùi Tiến Dũng tại CLB Hà Nội đang để lại sự lo ngại, tại V.League 2019 sau 4 bàn thua trong trận đấu với Quảng Ninh đã khiến anh mất điểm. Tại bán kết Cúp quốc gia, thủ môn này cũng không còn được HLV Chu Đình Nghiêm tin dùng.
Nhưng trong tay ông Park vẫn còn thủ môn trẻ Văn Toản của Hải Phòng và thực ra phong độ của Đặng Văn Lâm tại đội tuyển quốc gia. Chưa kể tiêu chí “chơi được nhiều vị trí” thì U22 Việt Nam chắc không bổ sung vị trí này.
Tương tự, ở vị trí trung phong cắm thì Tiến Linh và Đức Chinh vẫn để lại nỗi lo. Nhưng ngay cả đội tuyển thì đây vẫn là vị trí “đỏ con mắt” mà ông Park chưa có đáp án, nên rất khó có chuyện Anh Đức, Công Phượng được lựa chọn như Bento của Indonesia.
Sau khi Đình Trọng khỏi chấn thương thì việc bổ sung Quế Ngọc Hải có lẽ không cần thiết. Việc chỉ dùng 3 hậu vệ thì Huỳnh Tấn Sinh, Nguyễn Thành Chung, Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Trần Đình Trọng, Nguyễn Đức Chiến, Bùi Tiến Dụng, Đỗ Thanh Thịnh… là những cầu thủ hoàn toàn yên tâm. Thậm chí, có những người theo sát đội tuyển còn thay ông Park lựa chọn 3 trung vệ Huỳnh Tấn Sinh, Nguyễn Thành Chung và Trần Đình Trọng đá ở trung tâm.
Ở hàng tiền vệ, hiện chỉ có Triệu Việt Hưng và Nguyễn Trọng Đại là những cái tên khiến thầy Park tương đối an tâm. Văn Hậu thì sẽ có chút phân vân, nếu bị CLB nhả người về chậm, còn Hồ Tấn Tài vẫn cần thêm thời gian kiểm chứng.
Hùng Dũng, Trọng Hoàng chăng?
Đối đầu với hàng tiền vệ U22 Thái Lan rất mạnh, U22 Việt Nam vẫn rất cần một mẫu tiền vệ có khả năng đánh chặn, thu hồi bóng. Sơ đồ 3-4-3 cần 1 tiền vệ phát động tấn công, đảm bảo khả năng chuyển đổi trạng thái từ thủ sang công hoặc ngược lại nhanh và chính xác nhất.
Người ta sẽ nhớ ngay đến 2 cái tên Đỗ Hùng Dũng hoặc Nguyễn Tuấn Anh, đang tập trung trên đội tuyển quốc gia. Nhưng Hùng Dũng có lẽ được ưu tiên hơn khi anh vừa có sự lỳ lợm lại vừa đa năng. Khi cần thì Hùng Dũng có thể đá vị trí tiền vệ phải như tại CLB Hà Nội trong mùa giải qua, thể lực của cầu thủ này cũng được đánh giá tốt nhất, nhì đội tuyển.
Sở dĩ, ông Park đưa tiêu chí “có tốc độ phục hồi nhanh nhất” bởi SEA Games 30 sẽ tổ chức thi đấu trên sân cỏ nhân tạo. Các cầu thủ trên 22 tuổi, nếu không hồi phục tốt không thể ra sân với mật độ 2 ngày/trận như mong muốn.
Nói về đa năng, hồi phục tốt người ta lại nhớ đến Trọng Hoàng, cầu thủ xứ Nghệ này có thể đá hậu vệ phải, tiền vệ phải và không ít lần đá tiền vệ trung tâm. Khả năng hồi phục của cầu thủ Viettel này là điều không một ai nghi ngờ, nếu như không muốn nói là tốt nhất trong các cầu thủ Việt Nam hiện nay.
Rõ ràng, nếu đem so sánh Trọng Hoàng với Hồ Tấn Tài, Tấn Sinh bên cánh phải thì Hoàng “bò” vượt trội mọi mặt, kể cả thể lực dù anh đã 30 tuổi. “Người không phổi” còn làm khổ cả các cầu thủ nhập tịch Indonesia.
Điểm mạnh của Trọng Hoàng là kinh nghiệm chinh chiến thuộc dạng nhiều nhất đội tuyển Việt Nam hiện nay. Khi khó khăn, Trọng Hoàng là cầu thủ có thể xốc tinh thần của các đàn em, phá lối đá của đối phương. Khả năng kiến tạo của Trọng Hoàng gần đây ngày càng tiến bộ trông thấy.