Nhưng có vẻ như lần này, U22 Việt Nam đang đem tới nhiều âu lo hơn là niềm tin, điều mà 2 kỳ SEA Games liên tiếp trước đó, chúng ta từng làm được và làm rất tốt?

Trước hết, giới chuyên môn cũng như nhiều người hâm mộ sành sỏi đều nhận thấy, lực lượng lứa U22 hiện tại không thiện chiến bằng các lứa đàn anh trước đó như Văn Hậu, Hoàng Đức, Việt Anh, Mạnh Dũng…, chưa kể họ luôn được dẫn dắt bởi các đàn anh có phong độ cao như Hùng Dũng, Trọng Hoàng hay Tiến Linh. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của ông thầy Park Hang-seo với lối đá phòng ngự - phản công sở trường, sức mạnh tập thể của U23 Việt Nam được phát huy cao độ, cộng hưởng và nhân lên sức chiến đấu và chiến thắng.

Thầy trò HLV Philippe Troussier vừa có buổi tập thứ hai tại Phnôm Pênh để chuẩn bị cho trận đấu mở màn ở SEA Games 32 trước U22 Lào vào ngày 30/4. Ảnh: Hải Hoàng

Với kỳ SEA Games này, không có chuyện bổ sung các nhân tố trên 22 tuổi là cái khó chung của các đội, trong đó có U22 Việt Nam. Hơn nữa, U22 Việt Nam bắt đầu chuyển giao sang một ông thầy mới, triết lý bóng đá mới nên mọi việc càng khó khăn hơn. Quá trình tập trung, rèn luyện, thi đấu giao hữu quốc tế và nội bộ trên thực tế đang bộc lộ nhiều điều bất ổn của đội bóng.

Có người nói ông thầy giàu kinh nghiệm đang kiên trì với phương sách lâu dài và tiên tiến của mình, đang làm mọi cách để tìm kiếm điểm rơi phong độ cầu thủ đúng vào dịp giải đấu diễn ra. Việc U22 Việt Nam “thua toàn tập” ở Doha Cup, ở 2 trận giao hữu trong nước gần nhất thoạt nhìn là nỗi lo, nhất là khả năng ghi bàn của hàng công, nhưng vẫn đang được coi là “quân bài” bí mật của ông Troussier, khiến đối thủ bất ngờ khi lâm trận…

Tất nhiên, có thể tin cậy vào tính toán của ông Troussier và đội ngũ huấn luyện dạn dày kinh nghiệm thi đấu quốc tế của họ cũng như sự quyết tâm của đoàn quân trẻ vốn được đào tạo bài bản, giàu tham vọng. Khó ta thì cũng khó người nên ai vượt khó giỏi hơn sẽ là người về đích sớm nhất. Lịch thi đấu đi từ thấp đến cao đang là một thuận lợi cho quá trình thi đấu của U22 Việt Nam, nhất là với phong cách thi đấu mới, hay hơn nhưng khó hơn so với trước.

Vào trận, bất cứ ai dù mạnh yếu đến mấy thì cũng “lên dây cót” tinh thần cao độ như cách U22 Campuchia quyết tâm vào chơi trận chung kết, như cách U22 Lào “không ngán” U22 Thái Lan hay U22 Việt Nam? Trong khi đó, U22 Việt Nam đã “nhận chỉ thị” bảo vệ bằng được tấm Huy chương Vàng, tức phải chiến thắng tất cả, trong đó có U22 Thái Lan đang được xem là "vô đối” khu vực? Màn khởi động bằng các tuyên bố ồn ào trước giải đấu đang khích lệ lớn lao tinh thần của mỗi đội bóng. Vấn đề quyết định là dưới thời tiết nắng nóng, dưới áp lực đè nặng, thầy trò nào tỉnh táo, đủ sức vượt qua trong các lượt đấu sắp tới thì vẫn phải chờ thực tế sinh động trả lời?

Các tuyển thủ U22 Việt Nam tràn đầy hứng khởi trong lúc khởi động. Ảnh: Hải Hoàng

Cho đến nay, những đồn đoán về danh sách 20 người được đăng ký cuối cùng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, vì chỉ loại 3 cầu thủ nên bộ khung chính vẫn đang hiện lên qua từng ngày. Bắt chính sẽ là thủ môn Văn Chuẩn vì không ai hơn anh ở thời điểm hiện tại. Bộ ba trung vệ có thể là Duy Cương - Tuấn Tài - Tiến Long và dự bị là Quang Thịnh? Hàng tiền vệ với Công Đến - Văn Khang -Văn Trường, cặp wingback Văn Cường - Văn Đô, chơi cao nhất là Thanh Nhàn - Quốc Việt? Tất nhiên, những Xuân Tiến, Nhật Nam, Thái Sơn hay Văn Tùng, Vĩ Hào đều có thể xung trận tùy vào tình hình cụ thể trên sân.

Người đang có hy vọng đem lại nhiều đột biến về lối chơi cho U22 Việt Nam hiện nay là Tuấn Tài không rõ sẽ được bố trí trung vệ lệch trái hay là một wingback để khai thác các quả tạt có điểm rơi rất tốt của cầu thủ này? Tương tự liệu Văn Đô được chơi cao nhất như một tiền đạo cánh hay chỉ là một wingback cũng đang được chờ đợi, bởi phong độ gần đây của cầu thủ này có thể giúp U22 Việt Nam giải quyết tình trạng khô hạn bàn thắng lâu nay? Cũng có người chờ đợi tiền đạo Văn Tùng sẽ tỏa sáng sau khi trở lại U22 Việt Nam, nhờ những phẩm chất mà anh từng thể hiện trước đó, nhất là trước U23 Thái Lan ở giải châu lục năm 2022?

Nói tóm lại, vẫn phải chờ xem U22 Việt Nam sẽ trình diễn bộ mặt như thế nào ở giải đấu sắp tới? Sau những thành công của “phù thủy” Park Hang-seo, người ta lại chờ đợi “phù thủy trắng” Trousser đem lại chiến thắng cho bóng đá trẻ Việt Nam với những bài bản mới, khó lường hơn, bất ngờ và thú vị hơn? Một đội hình mới, vận hành mới, hiệu quả mới? Nhưng cũng không nên quá thất vọng nếu U22 Việt Nam trở nên chuệch choạc khi gặp các đối thủ lớn sắp tới, bởi quá trình của huấn luyện viên Philippe Troussier mới bắt đầu, chưa thể “hái quả” ngay lập tức mà phải kiên nhẫn, chấp nhận lùi một bước để tiến lên sau này?