(Baonghean) - Sau khi khiến các nhà đầu tư “nháo nhào” bởi việc phát hành lượng lớn cổ phiếu để mua lại SAB Miller - nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới, Công ty AB InBev lại tiếp tục thông báo tin vui khi cho biết vụ sáp nhập kỷ lục của ngành bia thế giới với giá trị lên tới 108 tỷ USD sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến, đó là ngày 5/4 tới đây.

Người có thể tạo ra những sự hân hoan này cho các nhà đầu tư không ai khác hơn là Paulo Lemmann, người được mệnh danh là “thầy phù thủy” trong các vụ mua bán và sáp nhập, người chỉ cần “để mắt” đến công ty nào là cổ phiếu của công ty đó lập tức tăng vùn vụt.

“Tỷ phú bí ẩn”

Là người đàn ông giàu nhất Brazil và giàu thứ nhì Thụy Sỹ, sở hữu một loạt thương hiệu đình đám khắp toàn cầu như tương cà Heinz, bia Budweiser, đồ ăn nhanh Burger King…, song tỷ phú Jorge Paulo Lemann hầu như không tiếp xúc với giới truyền thông, hạn chế xuất hiện trước công chúng và đặc biệt không bao giờ nói về bản thân mình.

: Chân dung “tỷ phú bí ẩn” Paulo Lemann (America.Pink)
Chân dung “tỷ phú bí ẩn” Paulo Lemann (America.Pink)

Ngay cả trong vụ sáp nhập hai nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới là AB InBev và SAB Miller, Paulo Lemann cũng không họp báo, yêu cầu các cộng sự không thông báo với công chúng về sự liên quan trọng của ông trong vụ việc này. Giới doanh nhân luôn dành sự ngưỡng mộ cho Paulo Lemann.

"Lemann bước vào thương trường với một công ty bia bé tí xíu của Brazil và nhanh chóng chiếm vị trí số 1 thế giới”, tỷ phú Warren Buffet nói.

Lemann sinh năm 1939 tại Rio de Janeiro, Brazil trong một gia đình có truyền thống sản xuất pho mát 300 năm. Bố ông là doanh nhân người Thụy Sĩ, nhập cư Brazil năm 1920. Thời trẻ, Lemann thường dành rất nhiều thời gian để lướt ván ở Arpoador - một bãi biển nổi tiếng ở Rio.

Ông đã từng 5 lần từng vô địch giải quần vợt quốc gia Brazil và trở thành người đại diện cho cả Brazil và Thụy Sĩ tham dự giải Davis Cup và Wimbledon.

Nhưng ước mơ trở thành vận động viên lướt sóng hay quần vợt của ông bị mẹ ngăn cản. Bởi vậy sau khi tốt nghiệp, Lemann trở thành phóng viên cho tờ báo lâu năm của Brazil là Jornal do Brasil. Ông cũng không trụ lâu được với nghề báo và chuyển tới làm việc cho Credit Suisse ở Thụy Sỹ.

Thế nhưng, dấu mốc trở thành một doanh nhân thực thụ của Paulo Lemann là năm 1971, khi ông và một số người bạn mua lại công ty môi giới Banco de Investimentos Garantia với giá 800.000 USD và chuyển nó thành công ty đầu tư tài chính đầu tiên ở Brazil.

Quản lý chi phí - “tuyệt chiêu” của “tỷ phú bí ẩn”

Garantia là khởi đầu cho hàng chuỗi các vụ mua bán Paulo Lemann tiến hành trong suốt gần nửa thế kỷ sau này. Đây cũng chính là nơi Lemann đã quen biết với Carlos Sicupira và Marcel Telles - những người cùng với Lemann vẫn được báo giới ở Brazil gọi là “3 chàng ngự lâm pháo thủ”.

Nếu Lemann hiện vững vàng ở vị trí người giàu nhất Brazil, thì Telles và Sicupira cũng bám theo sát nút với vị trí thứ 3 và thứ 4. Tuy nhiên, đến năm 1998, Lemann đã phải bán Garantia cho Credit Suisse của Thụy Sỹ do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính.

Cũng từ sau khi bán Garantia, mối quan tâm của Lemann đã vượt ra ngoài lĩnh vực đầu tư tài chính, lấn sân sang thực phẩm và đồ uống. Chỉ cần Lemann “để mắt” tới công ty nào là cổ phiếu công ty đó sẽ tăng điểm.

Những thương hiệu của Paulo Lemann sau vụ mua lại SAB Miller (USA Today)

"Chúng tôi thu thập những kinh nghiệm tốt nhất từ khắp mọi nơi, “đóng gói” chúng thành một tổng thể để hình thành “văn hóa doanh nghiệp” của chính mình” - Lemann nói.

Lemann trau dồi kỹ năng quản lý của mình bằng việc áp dụng mô hình trọng dụng nhân tài của Mỹ những năm 1970 - 1980. Lemann và Sicupira đã từng tới gặp “ông vua bán lẻ” của Mỹ Sam Walton để xem cách nhà sáng lập Wal-Mart làm việc với những nhà cung cấp và quản lý hàng tồn kho.

Họ áp dụng những bài học này cho hệ thống bán lẻ Lojas Americanas mà họ mua năm 1982 ở Brazil. Ở Garantia, họ áp dụng mô hình quản lý của Goldman Sachs.

Rồi họ học hỏi Giám đốc điều hành của General Electric - Jack Welch về cách trao thưởng cho 20% nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ lại 70% số còn lại, sa thải 10% những người làm việc kém hiệu quả nhất.

Yếu tố quan trọng nhất trong “văn hóa doanh nghiệp” mà Lemann nhắc tới chính là tiết kiệm chi phí tối đa - điều mà bất cứ giám đốc nào trong hệ thống của ông cũng thuộc nằm lòng.

Trở thành hình mẫu cho… đối thủ

Với đội ngũ cán bộ quản lý có khả năng tối đa hóa lợi nhuận vô cùng hiệu quả của Lemann, các công ty cạnh tranh cảm thấy buộc phải thay đổi cách kinh doanh của mình.

Và cách mà nhiều người lựa chọn chính là… bắt chước Lemann. Kellogg, Campbell Soup, Mondelez International…, - những công ty đã quá hốt hoảng sau vụ Kraft năm 2012 đều sử dụng cách tiếp cận của 3G về quản lý ngân sách.

Dù là đối thủ cạnh tranh, song Bill Ackman - nhà quản lý của Mondelez International cho biết, Lemann cùng đội ngũ của ông là những người rất đáng ngưỡng mộ.

Carlos Brito - Giám đốc điều hành của AB InBev trong lễ công bố phát hành cổ phiếu (IOL)

Doanh nghiệp ở Mỹ đầu tiên “nếm trải” cách điều hành của Lemann là Anheuser-Busch. Sử dụng cổ phiếu điều hành ở công ty bia Bỉ InBev trong Anheuser-Busch, Lemann cho sa thải 1.400 người, tương đương 6% lao động tại thị trường Mỹ.

Các chuyến bay sử dụng máy bay phản lực của công ty phải chấm dứt cũng như việc uống bia miễn phí bị hủy bỏ. Các nhà đầu tư vô cùng phấn khích khi cổ phiếu của Anheuser-Busch InBev đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm mới sáp nhập với giá trị thị trường là 171 tỷ USD vào ngày 30/9/2015.

Ở quê hương của mình, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem Lemann như người tiên phong về tính hiệu quả theo mô hình Mỹ và họ cố gắng để làm theo.

Lemann và các cộng sự đã làm những việc thật lớn lao, nhưng chắc chắn những gì họ sẽ làm còn lớn lao hơn nữa” - đó là nhận định mà những người trong giới kinh doanh nói về Lemann.

Diệp Khanh

TIN LIÊN QUAN