Theo báo cáo công bố ngày 12/11 của Liên hợp quốc, tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan tới thai sản ở phụ nữ đã giảm 44% trong vòng 25 năm qua. 
 
Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, số ca tử vong vì các biến chứng trong thời kỳ mang thai và trong vòng 6 tuần sau sinh là 303.000 ca, giảm 44% so với năm 1990 với 532.000 ca. Nói cách khác, tỷ lệ ca tử vong của bà mẹ/ca sinh đã giảm từ 385/100.000 vào năm 1990 xuống còn 216/100.000 sau 25 năm.
 
Báo cáo chỉ rõ: Mặc dù đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhưng những tiến bộ này lại không đồng đều ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 99% số ca tử vong xảy ra tại các quốc gia đang phát triển. Xét theo cam kết trong các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc là giảm 75% số ca tử vong ở phụ nữ vì những lý do liên quan tới thai sản vào năm 2015, thì chỉ có 9 quốc gia đạt được mục tiêu này.
 
 
images1410237_thao10111519163926320.jpgẢnh minh họa.
 
Đông Á là khu vực có thành tựu đáng kể hơn cả với tỷ lệ tử vong/ tỷ lệ ca sinh giảm từ 95/100.000 ca xuống còn 27/100.000 ca (giảm gần 72%). Khu vực miền Nam sa mạc Sahara (châu Phi) có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 2/3 số ca tử vong trên toàn thế giới mặc dù khu vực này đã giảm được gần 45% số ca tử vong so với năm 1990.
 
Báo cáo cũng đánh giá, việc cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế trước và sau sinh đã góp phần vào sự tiến bộ này. Trong đó, nhiều biện pháp can thiệp y tế cần thiết đã được chú trọng hơn như nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh giảm nguy cơ nhiễm trùng, sử dụng hóc môn kích thích co bóp tử cung ngay sau khi sinh để tránh nguy cơ băng huyết, phát hiện sớm các triệu chứng có thể dẫn tới tử vong khi sinh như chứng tăng huyết áp khi sinh...
 
Liên hợp quốc cũng đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ tử vong/ca sinh xuống dưới 70/100.000 ca. 
 
Theo QĐND Online