(Baonghean) - Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tiến hành khảo sát về nhu cầu đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2015 và kết quả cho thấy, năm nay số lượng học sinh không dự thi vào đại học tăng cao. liệu đây có phải là tín hiệu tích cực trong công tác phân luồng, hướng nghiệp?

Theo số liệu khảo sát của Sở GD - ĐT, kỳ thi năm nay Nghệ An có hơn 11.555/hơn 33.500 học sinh khối 12 (chiếm khoảng 35%) đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp – cao hơn rất nhiều so với con số 10 – 15% của những năm trước. Tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học cao nhất là ở các huyện miền núi như Quế Phong (65,4%), Tương Dương (54,48%), Con Cuông (56,48%), Kỳ Sơn (66,67%)… Các huyện đồng bằng sự phân hóa học sinh cũng khá rõ rệt, ví như Thị xã Cửa Lò có đến 45% học sinh đăng kí thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, Yên Thành  là 40%, Nam Đàn 40%... Thậm chí Thành phố Vinh cũng có đến 12% học sinh không thi để xét tuyển đại học, trong khi các năm trước chỉ vài phần trăm.

Buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPH Quỳnh Lưu. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thực trạng số lượng học sinh đăng kí thi THPT quốc gia để xét tuyển vào trường ĐH giảm, trong khi thí sinh đăng ký để lấy kết quả tốt nghiệp năm nay tăng cao là hoàn toàn hợp lý. Nguyên nhân là trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra những con số báo động về vấn đề việc làm (đó là cả nước có trên 72 nghìn lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, trong đó Nghệ An là  hơn 4 nghìn). Bên cạnh đó, nỗ lực trong công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THPT đã dần làm thay đổi nhận thức “đại học là con đường lập thân duy nhất” vốn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học sinh.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là tín hiệu khả quan trong công tác giáo dục hướng nghiệp? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế tại một số trường THPT thuộc các vùng miền khác nhau trong tỉnh. Tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh), theo kết quả khảo sát, trong số 556 học sinh khối 12, có 25 em đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tuyển tốt nghiệp. Tỷ lệ này không cao (4,5%) nhưng so với năm học 2013 – 2014 con số này được xem là đột biến, bởi những năm trước gần như 100% học sinh khối 12 đăng ký dự thi đại học. Em Nguyễn Thị Tâm, học sinh lớp 12C cho biết: “Em xác định được lực học của mình nên em sẽ đi học nghề chăm sóc sắc đẹp. Vì vậy, em chỉ dự thi xét kết quả THPT với 4 môn là Toán, Văn, Anh và Địa lý. Gia đình hoàn toàn ủng hộ với sự lựa chọn của em”.

Còn ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu), có 516 học sinh khối 12 có 90 em (tỷ lệ 17,4%) không đăng ký xét tuyển đại học mà chỉ xét tốt nghiệp. Cô Nguyễn Thị Lam Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12C8 cho biết: “Cũng như mọi năm, chúng tôi định hướng các em chọn trường, chọn nghề hãy căn cứ vào khả năng thực tế của bản thân. Nhất là năm nay, chỉ có một kỳ thi chung, chúng tôi lưu ý với các em rằng không được đánh giá quá cao khả năng bản thân để lựa chọn xét kết quả thi tốt nghiệp hay xét kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm nay, lớp tôi chủ nhiệm có 43 học sinh thì có 10 em đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong số này có 8 em học lực yếu, kém, 2 em học lực khá là Trần Thị Dung và Lê Thị Huyền thì hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn nên các em xác định không theo học đại học”. 

Còn Trường THPT Cửa Lò 2 (TX. Cửa Lò) có 206 học sinh khối 12 thì có đến 156 em đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 76%. Tỷ lệ này cũng được xem là “đột biến” so với tỷ lệ gần 50% vào các năm trước. Cá biệt như lớp 12 A4 có hơn 40 học sinh nhưng chỉ có 3 học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng, còn lại gần 90% chỉ thi để xét tốt nghiệp. Tìm hiểu được biết, hiện hầu hết học sinh trong lớp đã làm thủ tục để chuẩn bị đi du học tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Cô giáo Bành Quỳnh Lan, chủ nhiệm lớp 12A4 cho biết thêm: “Ở Cửa Lò, tâm lý phổ biến vẫn là cho con đi xuất khẩu lao động vì thu nhập cao, công việc ổn định. Chính vì thế dù ở lớp 12A4 vẫn có nhiều em học khá nhưng các em đã xác định sớm là sẽ đi nước ngoài.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Thực chất, tỷ lệ trên 70% học sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học của trường không thể xem là một chuyển biến tích cực. Nguyên nhân là nhiều năm qua, chất lượng đầu vào của học sinh nhà trường thấp, học sinh sau khi tốt nghiệp phần lớn có xu hướng đi lao động tự do hoặc xuất khẩu lao động chứ không thi vào đại học. Năm ngoái, trong hơn 50% đăng ký thi vào đại học, vẫn có nhiều em học lực yếu nhưng vẫn đăng ký thi với tâm lý “thi thử một lần cho biết”. 

Tại Trường THPT DTNT Kỳ Sơn có 401 học sinh khối 12 thì có tới 250 em (chiếm tỷ lệ 62,3%) đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Thầy Lê Đức Cát, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: “Hầu hết các học sinh trong trường đều là con em đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ-mú, đời sống còn nhiều khó khăn, điều kiện học tập hạn chế nên rất ít em xác định thi vào đại học, do đó học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỉ lệ lớn”. Em Vi Thị Trang, học sinh lớp 12 của trường  chia sẻ: “Em dự định sẽ chỉ thi tốt nghiệp THPT, rồi sau đó học nghề. Vì vậy, em tham dự kì thi THPT quốc gia chỉ để xét tuyển tốt nghiệp”.

Với quy chế của kỳ thi THPT quốc gia chung 2015, dù đề thi của các môn thi như nhau, những học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ thi và được chấm thi tại các hội đồng thi và chấm thi do các tỉnh, thành phố tổ chức; còn các em thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ thi và được chấm thi tại các hội đồng thi và chấm thi do các trường đại học tổ chức. Nhiều người cho rằng, các hội đồng thi và chấm thi tại các địa phương sẽ “nhẹ tay” hơn với các thí sinh để đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp cho địa phương đó, vì vậy với những em có học lực yếu, nhận thấy khả năng của mình không thể thi vào đại học, cao đẳng, các em sẽ lựa chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp tại các hội đồng thi do địa phương tổ chức cho… an toàn, chứ không “thử một lần cho biết” như mọi năm.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, công tác phân luồng, hướng nghiệp đối với học sinh THPT vẫn chưa thực sự chuyển biến tích cực. Ông Hoàng Quốc Khánh, Chuyên viên phòng Trung học Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập, đó là giáo án đã quá cũ được soạn từ năm 2006 nên không cập nhật được những xu hướng nghề nghiệp của hiện tại. Thời gian để giảng dạy các tiết hướng nghiệp quá ít, chỉ 9 tiết theo 9 chuyên đề trong 1 năm học. Chương trình dạy nghề ở các trường để hướng nghiệp cho học sinh còn chưa thu hút, chủ yếu chỉ dạy các nghề như tin học với trang thiết bị cơ sở vật chất thiếu thốn, ít vật liệu thiết bị để thực hành...”.

Như vậy, dù kỳ thi quốc gia năm nay có nhiều đổi mới nhưng công tác hướng nghiệp, nhận thức của học sinh về chọn nghề, chọn trường lại chưa có nhiều chuyển biến như kỳ vọng. 

Minh Quân – Mỹ Hà