(Baonghean)- Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua thị xã Hoàng Mai có chiều dài 10,5 km, những năm qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu gác chắn giao nhau với đường dân sinh và ý thức của người dân còn nhiều hạn chế...

Tuyến đường sắt đoạn qua thị xã Hoàng Mai bắt đầu từ ga Trường Lâm và đoạn cuối chạy qua xã Quỳnh Trang. Dọc tuyến đường này có 71 đường ngang giao nhau với đường sắt tập trung chủ yếu ở phường Quỳnh Thiện, trong đó có 9 đường ngang có rào chắn và 62 đường ngang giao nhau với đường sắt do người dân tự mở. Do không có rào chắn, không có tín hiệu cảnh báo nên dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm do thiếu quan sát.

1
Bất chấp tín hiệu của nhân viên đường sắt, học sinh vẫn băng qua đường tàu khi đoàn tàu chuẩn bị lao đến

Điển hình như các đoạn đường rẽ vào Trường Mầm non phường Quỳnh Thiện và đoạn gần Trường Tiểu học, THCS xã Quỳnh Vinh được xem là "điểm nóng" tai nạn giữa tàu hỏa và người tham gia giao thông đường bộ. Lưu lượng người qua lại khá đông, nhất là vào giờ phụ huynh đưa đón con; trong lúc đó, trung bình mỗi ngày có từ 12- 15 chuyến tàu đi qua, nhưng tất cả các đoạn đường ngang này hiện không có gác chắn hay tín hiệu cảnh báo nào.

Chị Nguyễn Thị Hậu ở khối 8, phường Quỳnh Thiện cho biết: “Tôi tận mắt chứng kiến 5 vụ tai nạn thương tâm làm 5 người chết. Trước thực trạng đau lòng này, vợ chồng tôi tự nguyện làm rào chắn, trạm barie gác tàu cho dân qua lại an toàn hơn. Nhưng ý thức của người dân còn nhiều hạn chế, có gác chắn nhưng vẫn cố tình chạy lấn, vượt gác chắn và thể hiện thái độ không đồng tình với việc làm của vợ chồng tôi. Mong các ngành liên quan dựng gác chắn, hoặc làm đường gom để dân đi lại thuận tiện, an toàn”.

Đoạn đường rộng, không có gác chắn nên nhân viên gác không thể ngăn nổi những người dân thiếu ý thức

Liên tiếp những vụ tai nạn đường sắt xảy ra, tháng 7/2015, ngành đường sắt đã bố trí nhân viên gác chắn ở một số điểm đen nhưng vì chưa xây được barie nên nhân viên trực chỉ có thể điều khiển bằng cờ hiệu và còi. Ca trực của nhân viên đường sắt bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 18 giờ cùng ngày. Khoảng thời gian còn lại, người tham gia giao thông tự lắng nghe tín hiệu còi và quan sát tàu chạy để qua đường.

Ông Phạm Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Thiện cho hay: “Trước tình hình tai nạn đường sắt gia tăng trên địa bàn, năm 2015, UBND phường đã gửi công văn đến Tổng cục đường sắt đề nghị chuyển đường thông tin tín hiệu đường sắt lên đường gom phía Tây vì hiện nay đường tín hiệu vẫn nằm giữa khu dân cư. Đồng thời đề nghị Tổng cục đường sắt tiếp tục triển khai dự án xây dựng đường gom dân sinh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy Tổng cục đường sắt có phản hồi”.

Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu khách và ô tô tháng 11/2015

Ông Bùi Đình Sáu - Trưởng Ga Hoàng Mai cho biết: “Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa là đơn vị quản lý tuyến đường sắt này đã có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với chính quyền địa phương và các hộ dân, đồng thời cũng đã xây dựng bờ rào để làm đường gom dân sinh. Tuy nhiên, cho đến nay việc giải phóng mặt bằng không thể thực hiện do các hộ dân đòi tiền đền bù quá cao”.

Như vậy, có thể thấy, chính quyền địa phương, các hộ dân và ngành đường sắt không tìm được tiếng nói chung khiến dự án làm đường gom dân sinh triển khai từ cuối năm 2014 bị ngừng trệ, hàng rào sắt hoen rỉ theo thời gian. Và chưa biết đến bao giờ tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt ở TX. Hoàng Mai mới được giải quyết?

Chỉ trong 2 năm (2014 - 2015), trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã xảy ra 16 vụ tai nạn đường sắt, làm 5 người chết, 3 người bị thương và 3 người thoát nạn nhưng bị hỏng tài sản.

Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN