Ông thầy người Hàn Quốc chỉ thực sự tin cậy với những cầu thủ mà ông và ekip có sự hiểu biết cặn kẽ, từng “nằm gai nếm mật” qua các chặng đường trước đây và phù hợp với cách vận hành của đội tuyển khi gặp các đối thủ khác nhau.

Từ “lý thuyết” trên, không khó để đoán định những “quân bài” nào sẽ được HLV Park Hang-seo tung vào trận chiến gặp ĐT Trung Quốc và ĐT Oman tới đây. Trong khung gỗ, thủ thành Tấn Trường sẽ được tin dùng sau những gì đã thể hiện ở V. League và trong các trận đấu vừa qua của ĐT Việt Nam. Dự bị cho Tấn Trường có thể là Nguyên Mạnh nếu ông cần người có kinh nghiệm, cũng có thể là Văn Toản nếu tính đến đường dài cho U23 Việt Nam.

vff_0083893769_2102021.jpgĐình Trọng và các cầu thủ vừa trở lại sau chấn thương khác đều hoàn thành tốt buổi tập đầu tiên của tuyển Việt Nam trên đất UAE. Ảnh: VFF.

Bộ 3 trung vệ vẫn là những cái tên quen thuộc: Ngọc Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh cùng với Thành Chung, Đình Trọng sẽ luân phiên nhau gánh vác trọng trách. Đôi cánh Văn Thanh, Hồng Duy lần đầu tiên sẽ được xuất phát từ đầu với nhiệm vụ nặng nề. Vấn đề là nếu cần phải bổ sung hay thay đổi, những ai được thay thế đang đặt ra nhiều câu hỏi? Trong khi đó, hàng tiền vệ cũng ít có chỗ cho các nhân tố mới, bởi Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Đức hay Tuấn Anh, Xuân Trường, Đức Huy vẫn luôn được tin dùng. Hàng tấn công khá dồi dào lực lượng với Tiến Linh, Đức Chinh, Văn Toàn và nhất là Công Phượng trở lại với bao hy vọng…

Cũng trên “lý thuyết”, các trận gặp ĐT Trung Quốc và ĐT Oman được coi là dễ chịu hơn so với các đối thủ khác ở vòng loại thứ 3 của ĐT Việt Nam. Nhưng xem ra thực tế sẽ không giản đơn, khi ĐT Oman từng thắng ĐT Nhật Bản đẳng cấp với tỷ số 1-0 và ĐT Trung Quốc, dù cũng đã thua 2 trận, dù được cho là chịu áp lực, căng cứng tâm lý gì đó thì cũng không phải là “miếng mồi ngon” cho ĐT Việt Nam. Thể hình, thể lực tốt, nhiều ngôi sao nhập tịch, có cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu và khi đã ở vào thế dựa chân tường, ĐT Trung Quốc nếu thi đấu đúng với thực lực sẽ là rào cản lớn cho ĐT Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam trong buổi tập đầu tiên trên sân của UAE. Ảnh: VFF

Lâu nay, truyền thông đã ra sức “khích tướng” khiến cho cuộc đối đầu lịch sử trên sân bóng giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự nóng. Các tuyển thủ hai bên cũng thể hiện sự quyết tâm cao độ mỗi khi có dịp phát biểu trước báo giới, càng khiến cho người hâm mộ náo nức chờ đợi cuộc thư hùng.

Vấn đề đặt ra là ai sẽ “bắt bài” được ai, trước hết từ khu kỹ thuật của hai đội bóng. Giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam có thể hiểu được nội tình Ban huấn luyện ĐT Việt Nam nhưng với Ban huấn luyện ĐT Trung Quốc thì điều đó là không thể. Vậy Ban huấn luyện Việt Nam với “bộ sậu” Hàn Quốc có đủ thông tin để nắm bắt về HLV trưởng Li Tie và bộ sậu của ông hay không và liệu họ có “bài” để khắc chế đối thủ hay không? Khi và chỉ khi Ban huấn luyện ĐT Việt Nam tự tin ở khả năng của mình, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến trên sân, phát huy cao nhất khả năng của cả tập thể và từng cá nhân cầu thủ… thì trận đấu sẽ đi theo hướng có lợi cho ĐT Việt Nam. Trong tình huống ngược lại, khi không thể “át vía” đối thủ, ĐT Việt Nam có thể bị dồn ép, thậm chí căng cứng, mất thế trận và hậu quả sẽ không lường được.

Đội tuyển Việt Nam đã sẵn sàng. Ảnh: baotintuc

Vì thế, vừa phải hiểu và có biện pháp để đối thủ không thể thi triển lối đá theo cách họ mong muốn, lại vừa phải xây dựng và ổn định nền tảng tâm lý cho cả đội, để làm sao họ vào trận tự tin mà không chủ quan, thoải mái mà không sa đà, buộc đối phương phải nhận liên tiếp bất ngờ này tới bất ngờ khác và kết quả là tự đánh mất mình. Tất nhiên, nói thì dễ và làm thì cực khó, nên phải chắt chiu từng đường bóng, từng pha phối hợp và ra đòn kết liễu. Một cầu thủ tự tin, xử lý bóng hợp lý, thông thoáng sẽ tạo cảm hứng cho đồng đội cùng chơi thanh thoát. Quang Hải hay Công Phượng tạo được “siêu phẩm” sẽ khiến cho các đồng đội có thêm động lực để tìm kiếm những thành công mới. Ấy là hiệu ứng lan tỏa, truyền cảm hứng nhiều khi bắt đầu từ một người, để tạo thành công cho một tập thể, một đội bóng.

Rõ ràng, ĐT Việt Nam đang háo hức vào trận, háo hức lập công trong 2 trận đấu tới. Hy vọng điều đó được duy trì đến hết cả hai trận đấu dù muôn vàn khó khăn thử thách. Thực ra, đó là 2 trận đấu “không có gì để mất” và nhiều người biết mục tiêu đặt ra là “có điểm”, không bắt buộc phải có 3 điểm bằng mọi giá. Nếu như ĐT Việt Nam buộc ông hàng xóm lớn mạnh phải chia điểm thì cũng là điều chấp nhận được nếu nhìn về phía trước chúng ta từng bị dẫn với khoảng cách rất xa là 0-6!

Nói gọn lại, cái chính là tạo ra một tâm thế tự tin, nhẹ nhõm, biết người, biết ta để đi đường dài, không bao giờ nóng vội, hấp tấp có thể khiến mọi việc đổ sông, đổ bể. Biết đâu, từ nền tảng vững chắc đó, ĐT Việt Nam lại làm được một điều gì đó lớn lao hơn, bền vững hơn ở phía trước./.