Rồi cũng liên quan đến Hoàng Đức là bức hình với chai sâm-banh và thông tin về việc sẽ trở lại Đội tuyển Việt Nam vào dịp tháng 3/2024 cho thấy chủ trương rõ ràng của ban huấn luyện về việc “dành quân” để thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup, không chỉ với Hoàng Đức mà cả Ngọc Hải, Tiến Linh, Văn Lâm và nhiều tuyển thủ khác.

Không nói ra thì ai ai cũng biết về “lợi bất cập hại” của việc quá nôn nóng đưa cầu thủ chưa lành hẳn chấn thương vào sân thi đấu với cường độ quá cao ở các giải đấu cấp châu lục. Câu chuyện chấn thương liên quan đến Trọng Hoàng và sự nói quá “quá trình hồi phục kỳ diệu”, hay Đình Trọng, Văn Hậu… đều đang cho những kết quả không mấy khả quan, cả về lợi ích tập thể và nhất là sự nghiệp cầu thủ.

Tiền vệ Hùng Dũng cho biết: Việc thiếu vắng trụ cột không chỉ là vấn đề riêng của tuyển Việt Nam mà ở các đội bóng khác cũng thế. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Trọng Hoàng khi về lại Sông Lam Nghệ An đã phải điều trị chấn thương hàng năm trời, khi trở lại đã không thể lấy lại vị thế của “người không phổi” năm nào. Đình Trọng đã phải vật lộn nhiều năm để gần đây mới chơi trọn 90 phút trong 2 trận liên tiếp của Bình Định và việc trở lại đội tuyển là câu chuyện xa vời vợi. Tình trạng của Văn Hậu cũng không khá lên bao nhiêu, trong khi gần đây chấn thương của Ngọc Hải đang gây ra nhiều nỗi lo hơn bao giờ hết ở hàng thủ của Đội tuyển Việt Nam.

Vậy nên, ở ASIAN Cup, với sự chủ động của các đội tuyển “2 trong 1”, với chủ trương từ đầu tìm tòi, phát hiện các nhân tố trẻ, Đội tuyển Việt Nam sang Qatar với một đội hình chỉ còn lại 6 cầu thủ từng dự AFF Cup 2020 là điều không thể khác. Người hâm mộ lo lắng, thậm chí 80% số người phản đối là chuyện xem ra chưa từng có với đoàn quân Sao vàng trước mỗi giải đấu lớn? Người hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá Việt Nam mong muốn đội tuyển thi đấu tốt, đội hình thi đấu phải là những gương mặt tiêu biểu… là điều cần thiết và đúng đắn. Nhưng đường đi, nước bước của đội tuyển là do vị thuyền trưởng cầm lái, chịu trách nhiệm và không ai có thể nói ra, nói vào khi mọi việc đang được triển khai.

Chính ông Park Hang-seo từng thấm thía “văn hóa chiến thắng” của cổ động viên Việt Nam và việc chỉ có 1 trận thắng, 1 trận hòa, còn lại là thua trước các đội bóng hàng đầu châu lục ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã khiến ông không thể tái ký hợp đồng, chấm dứt chu kỳ thành công với bóng đá Việt Nam của ông thầy người Hàn Quốc. Sức ép từ người tiền nhiệm Park Hang-seo là một trong những nguyên nhân khiến ông Philippe Troussier hiện không được đông đảo cổ động viên ủng hộ vì ông thầy người Pháp đang làm khác, đang đi cách khác. Một trong những cách ông đang làm là ngôi sao cỡ nào nhưng đang chấn thương thì dứt khoát phải hồi phục theo từng giai đoạn cụ thể để phục vụ lâu dài cho đội tuyển, vừa có lợi cho tập thể và từng cá nhân tuyển thủ. Hơn nữa, bóng đá là quá trình kế tục, phát triển, là cơ hội mở ra cho nhiều người, cả cũ và mới, là sự thay đổi đi lên, bổ sung về lối chơi, về nhân sự… nên việc “đóng khung” đội hình, chưa ra sân người ta đã thấy trước mọi việc thì còn gì là “chiến lược gia” mà thực ra là “phù thủy” đã bị bắt bài như chúng ta từng biết.

Sau khi Đặng Văn Lâm chia tay vì chấn thương, Nguyễn Filip gần như chắc suất bắt chính ở tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2024. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Cũng chính chuyện liên quan đến ngôi sao Hoàng Đức không được ra sân phút nào ở 2 trận đấu Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 vừa qua khiến nhiều người “vỡ” ra một điều tưởng dễ mà không hề dễ biết. Đó là với cách chơi kiểu ngôi sao như Hoàng Đức, Đội tuyển Việt Nam có thể thắng dễ một đội bóng yếu, hoặc một đội ngang cơ nhờ một khoảnh khắc xuất thần nào đó. Nhưng khi gặp các đội trên cơ thì điều đó là không thể như lịch sử thi đấu của Đội tuyển Việt Nam đã cho thấy vô cùng sinh động và gần gũi. Vậy muốn vượt qua, vượt lên đối thủ đẳng cấp, đòi hỏi sức mạnh của cả một tập thể gắn kết và sáng tạo, của một môn chơi tập thể với triết lý cụ thể, phương pháp rõ ràng và hiệu quả tối đa.

Người ta dễ hiểu nhầm về một khúc mắc nào đó giữa Hoàng Đức và ông thầy người Pháp? Thực ra, không chỉ Hoàng Đức mà cả Hùng Dũng cũng… ngồi ngoài trong 2 trận đấu nói trên. Để thấy đó là câu chuyện chuyên môn thuần túy và ông thầy đã chỉ rõ mong muốn của mình đối với học trò, mong muốn học trò nỗ lực hơn trong điều kiện và yêu cầu mới, để có thể đóng góp nhiều nhất tài năng của mình vào sức mạnh chung của đội tuyển.

Vấn đề thành bại của ông Troussier gắn với các kết quả của Vòng loại thứ 2 World Cup 2026, trong đó vẫn là 2 trận quyết chiến với Đội tuyển Indonesia để tìm kiếm vị trí thứ 2 bảng đấu, y như tình trạng ở ASIAN Cup gần kề. Khi ông thầy đã cho phép một loạt ngôi sao ở nhà dưỡng thương không đến ASIAN Cup, đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện chơi “tất tay” với Indonesia ở kỳ thi đấu gần nhất mà phải chờ các lượt đấu đi/về sau đó? Nhưng kết quả thi đấu ở ASIAN Cup 2023 cũng sẽ tác động không nhỏ đến quá trình thi đấu Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 nên không thể có chuyện “bên trọng, bên khinh” nào đó, mà phải là sự nỗ lực chiến đấu đến cùng của tất cả các cầu thủ được chọn.

Giờ là lúc ông thầy người Pháp chứng minh năng lực vượt khó, năng lực nâng tầm Đội tuyển Việt Nam như cách ông từng làm được trước đó với các đội tuyển quốc gia trên thế giới? Dù không được dư luận ủng hộ nhiệt thành như người tiền nhiệm và phải chăng, đó chính là lúc ông và các học trò phải “bật chế độ” bứt phá mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đạt được mục tiêu lớn nhỏ ở phía trước?