(Baonghean) - Kỳ tuyển sinh năm nay, trong khi điểm thi và điểm chuẩn rất nhiều ngành tăng lên, thì điểm đầu vào các ngành sư phạm truyền thống như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Tin học lại giảm điểm chuẩn. Nhiều trường chỉ lấy bằng mức sàn. Trong khi đó, ngành sư phạm mầm non tiếp tục hút thí sinh.

Sức hút ngành mầm non

Trong bức tranh chung khá ảm đạm, ngành học mầm non được xem là ngành “nóng” nhất hiện nay khi có tỷ lệ “chọi” khá cao và thí sinh cần phải trải qua 2 vòng thi mới trúng tuyển.

Tại Trường Đại học Vinh, trong số khoảng 4.000 hồ sơ đăng ký vào trường thì có gần 1.000 hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm mầm non. Tuy nhiên, chỉ tiêu của ngành chỉ có 110 thí sinh. Với con số này, không ngạc nhiên khi ngành Sư phạm mầm non là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao nhất trường với 27 điểm (trong đó môn năng khiếu hệ số 2 và điểm năng khiếu phải đạt tối thiểu là 5,5 điểm).

Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền - Trưởng khoa Giáo dục, có nhiều lý do khiến thí sinh đăng ký vào ngành mầm non tăng. Trước tiên là do sự thay đổi cái nhìn của xã hội đối với bậc học này, xem đây là bậc học đầu tiên và cần thiết. Tiếp theo, từ sự chuyển biến này, thí sinh nhận thấy được ảnh hưởng của bậc học mầm non và tin rằng có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường, giáo viên mầm non tự tin, sống được bằng nghề. Sự thay đổi này khiến chỉ tiêu tuyển sinh ngành mầm non tăng nhanh trong 2 năm gần đây và hiện tăng gấp đôi so với các năm trước. 

1502285185093.jpgThí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Ngành Sư phạm mầm non cũng chính là ngành “cứu cánh” của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trong giai đoạn tuyển sinh khó khăn hiện nay khi 450/660 chỉ tiêu của trường là dành cho ngành “hot” này.

Trước đó, trường cũng đã có gần 500 hồ sơ đăng ký thi năng khiếu và hiện đã có hơn 300 hồ sơ nhập học. Để công tác tuyển sinh thuận lợi, từ khi xét tuyển đợt 2, nhà trường đã mở rộng cơ hội tuyển sinh khi cho phép thí sinh lấy kết quả năng khiếu từ các trường đại học khác để tham gia xét tuyển vào trường.

PGS.TS Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cũng kỳ vọng: “So với các ngành khác, hiện cơ hội tìm kiếm việc làm của bậc học mầm non khá dễ khi hệ thống trường ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục rất phát triển. Điều này cũng là lý do chính khi thí sinh đăng ký vào bậc học mầm non đông hơn trước”.

Nỗi lo “thảm họa” đầu vào sư phạm

Đây là điều được nói đến khá nhiều trong kỳ tuyển sinh vào đại học năm 2017, bởi lẽ trong khi các ngành khác điểm chuẩn đều tăng và tăng đột biến thì các ngành sư phạm mức điểm chuẩn chỉ ngang bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí là rất thấp. Trong đó, riêng với hệ cao đẳng, mức điểm chuẩn chỉ trung bình khoảng 3 điểm/môn là có thể đậu ngành sư phạm.

Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, năm nay trường có 6 ngành Sư phạm đó là Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh. Kết thúc đợt xét tuyển đợt 1, mặc dù mức xét tuyển đầu vào chỉ 10 điểm với 4 tổ hợp môn Toán – Văn - Anh, Toán - Lý - Anh, Văn - Sử Địa, Toán - Hóa - Sinh nhưng kết quả tuyển sinh của các ngành Sư phạm Ngữ văn, Toán, Sinh học… vẫn còn rất èo uột với vài thí sinh đăng ký dù chỉ tiêu mỗi ngành chỉ từ 10 - 15 thí sinh.

Tình trạng này cũng diễn ra ở những năm trước khi mỗi năm các ngành Sư phạm Toán, Văn… chỉ tuyển được từ 3 - 5 thí sinh và đẩy nhà trường vào tình trạng khó sắp xếp việc làm cho đội ngũ giáo viên. Riêng trong năm 2016, tỷ lệ tuyển sinh chỉ đạt 59,46% (993/1.670 chỉ tiêu).

Trong đó, ngành Sư phạm Địa lý liên tục 3 năm không tuyển được sinh viên. Thực tế này, khác rất nhiều so với 10 - 15 năm về trước. Thời điểm đó, chỉ tiêu cho các ngành sư phạm của trường không nhiều và thường phân chỉ tiêu cho từng địa phương cụ thể. Vì vậy, để trúng tuyển vào hệ cao đẳng, có những năm điểm chuẩn còn cao hơn đại học.

Chất lượng tuyển sinh sư phạm cũng đi xuống với Trường Đại học Vinh, một ngôi trường sư phạm có bề dày hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Cụ thể, nếu như cách đây hơn một thập kỷ, điểm chuẩn vào sư phạm của Trường Đại học Vinh có thể ngang với các trường đại học hàng đầu của cả nước thì nay xuống dốc với mức điểm đầu vào của hầu hết các ngành sư phạm chỉ bằng mức điểm sàn 15,5 điểm (trung bình 5 điểm/môn).

Đáng lo ngại là dù mức điểm đã xuống rất thấp nhưng kết thúc tuyển sinh đợt 1 chỉ mới khoảng 40% ngành sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiểu học và Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiếng Anh…

Các ngành còn lại, trong đó, có nhiều ngành từng tạo nên thương hiệu của nhà trường như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Tin học đều phải tuyển bổ sung với mức điểm “khiêm tốn” bằng mức điểm sàn…

Điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp khiến nhiều người lo lắng bởi đây là ngành đào tạo đặc thù; các em sẽ trở thành những giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, không ai dám chắc, những giáo viên này sẽ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Thầy giáo Lê Xuân Hường – Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1 khẳng định: Chất lượng đào tạo giáo dục phụ thuộc nhiều vào người thầy, càng có những người thầy tâm huyết, càng có nhiều người thầy tài năng thì càng có nhiều học sinh tốt… Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo hiện nay, ngành Giáo dục và phụ huynh có cơ sở để lo lắng.

Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang loay hoay đổi mới giáo dục nhằm đem đến luồng sinh khí mới. Nhưng việc cải cách sẽ trở thành không tưởng vì những người thực hiện không có tâm huyết, không có tài năng thực sự và ngành Giáo dục không thu hút được người tài.

Ngày hội tình nguyện của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà


Trao đổi với báo chí, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kết quả tuyển sinh trên là “thảm họa của ngành Giáo dục và Đào tạo”. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển thì giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Chất lượng giáo viên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đầu vào cũng như quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Để đào tạo một giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt thì chất lượng đầu vào phải tốt.

“Khi chúng ta lấy điểm đầu vào quá thấp thì chắc chắn sẽ không một cơ sở đào tạo nào có thể đào tạo được những giáo viên có chất lượng. 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Theo tôi được biết, có những trường sư phạm còn không có thí sinh đăng ký. Nếu đầu vào quá thấp như thế thì chúng ta không nên đào tạo nhất là khi giáo viên chúng ta còn thất nghiệp nhiều mà cứ đào tạo chất lượng thấp như vậy chỉ tạo thêm cho xã hội gánh nặng” - GS.TS. Đinh Quang Báo khẳng định.

Rõ ràng, chất lượng đầu vào các ngành sư phạm quá thấp đang dần vẽ nên một bức tranh màu xám về tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp sau khi ra trường trong một vài năm tới. Và cái vòng luẩn quẩn đầu vào quá thấp, sinh viên không mặn mà, chất lượng đầu ra không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục học sinh trong thời gian tới.

Có lẽ, đã đến lúc các trường sư phạm nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm; các địa phương, các ban, ngành cần có nhiều chính sách ưu tiên để ngành sư phạm là ngành hấp dẫn, nhằm mục đích thu hút được những người có năng lực, có trình độ và tâm huyết thực sự.

Đợt tuyển sinh thứ 2, Trường Đại học Y khoa Vinh còn 450 chỉ tiêu hệ cao đẳng vào các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật xét nghiệm y học, dược; Trường Đại học Vinh còn khoảng 2000 chỉ tiêu cho 40 ngành; trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An còn trên 200 chỉ tiêu vào các ngành Sư phạm: Mầm non, Tiểu học, tiếng Anh, Văn và Toán. Các trường còn lại như Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng đang còn nhiều chỉ tiêu cho tuyển sinh đợt 2. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt tuyển sinh đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 13/8. Thí sinh có 3 phương thức xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Nộp trực tiếp nơi mình đăng ký, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Lệ phí xét tuyển 30.000 đồng/bộ hồ sơ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN