Thí sinh phải đến trường hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ khi muốn nộp sang trường khác.
 
Sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy trình tổ chức tuyển sinh của các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.
 
Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định các trường cần công bố trên trang thông tin điện tử của trường: Tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành hoặc nhóm ngành cùng chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho 1 ngành phải quy định và công bố độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp.
 
images1198801_diem_thi_dh_qzxm.jpg

Điểm xét tuyển vào từng ngành; điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố.

Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian quy định của mỗi đợt tuyển (đợt 1 từ 1/8 - 20/8), các trường tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh. Hồ sơ ĐKXT gồm: Bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh; phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành của trường, xếp thứ tự ưu tiên từ 1 - 4; ở mỗi nguyện vọng thí sinh phải chỉ ra tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển. Thí sinh gửi kèm theo 1 phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ của thí sinh.
 
Bộ cũng đề nghị các trường tạo điều kiện để thí sinh rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Thí sinh phải đến trường hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ.
 
Ít nhất 3 ngày một lần, các trường công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
 
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý: Thí sinh chỉ được thay đổi các nguyện vọng trong trường cũng như rút hồ sơ để nộp sang trường khác đối với xét tuyển đợt 1, còn khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng cũng như rút hồ sơ.
 
Để cung cấp đầy đủ thông tin, giúp thí sinh có thể chọn ngành phù hợp, các trường cần công khai điểm trúng tuyển vào trường những năm trước; bố trí tổ tư vấn tuyển sinh và cung cấp số điện thoại tư vấn đề giúp thí sinh.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh phải tìm hiểu thông tin ở từng trường. Qua đó các em biết được khả năng thu hút thí sinh của các trường ở những năm trước. Đặc biệt trong quá trình xét tuyển đợt 1, các em phải theo dõi thông tin thường xuyên thống kê của các trường, bởi đây là thông số rất quan trọng giúp các em biết được mình ở vị trí nào trong đó, có khả năng trúng tuyển được hay không. Nếu không phải rút hồ sơ nộp vào trường khác.
 
Nếu không có thông tin đó, các em sẽ rất may rủi. Năm nay, Bộ tạo điều kiện cho các em hạn chế tối đa may rủi cho thí sinh. Các em nộp không đúng trường, vị trí của mình thì có thể rút hồ sơ nộp trường khác.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Thí sinh nên có thói quen tìm kiếm thông tin. Vừa rồi trong quá trình làm thủ tục đăng ký dự thi, Bộ yêu cầu các em lên mạng kiểm tra lại thông tin của mình cho đúng, nhưng nhiều em vẫn không làm hoặc không có phương tiện để làm. Cuối cùng đến giờ phút chót các em phải thay đổi thông tin, đổi cả môn thi nữa…
 
Nên nhớ là đợt 1 các trường tuyển được phần lớn các chỉ tiêu, tới hơn 70%, cho nên trượt đợt 1 thì sang đợt 2 số lượng ảo rất lớn vì các em có tới 3 giấy báo kết quả thi và có thể nộp cùng lúc”./.
 
 
Theo Vov.vn